Trong tất cả các mẫu giấy tờ mà các nhà đầu tư thiên thần muốn thấy từ một doanh nghiệp khởi nghiệp trong quá trình kêu gọi vốn đầu tư chính là Pitch Deck hay còn gọi là Bản quảng cáo chiêu hàng. Đó là thứ đầu tiên mà họ muốn thấy…
Pitch Deck không phải là một bản kế hoạch kinh doanh chi tiết, nhưng nó có rất nhiều phần tương tự một bản kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.
Vấn đề khó khăn trong một bản quảng cáo chiêu hàng đó chính là phải làm sao gây được ấn tượng với các nhà đầu tư chỉ trong vài trang lược tả cơ bản về mô hình kinh doanh, sản phẩm, tiềm năng phát triển và giải pháp cho các vấn đề phát triển thị trường mà doanh nghiệp đã và sẽ gặp phải.
Có một thưc tế mà các nhà sáng lập nên biết, doanh nghiệp của bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi tìm kiếm các nhà đầu tư thiên thần hay tiếp cận nguồn vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm nếu như dự án còn nằm trên giấy. Mà kể cả khi dự án đã đi vào hoạt động nhưng quy mô thị trường không đủ lớn, dự án đã có sự cạnh tranh và không có sự đột phá thì “đừng có mơ”.
Các nhà đầu tư luôn mong muốn tìm kiếm những Startup với quy mô thị trường đủ lớn, đội ngũ “Cá Mập mồm rộng” đôi khi chẳng thèm bận tâm với những dự án cỏn con. Việc đầu tư vào những dự án tí hon chỉ làm họ thêm vướng bận giữa bộn bề công việc.
Có thể bạn quan tâm.
- 8 cách bạn có thể kiếm tiền trên TikTok 2021
- Thuật toán TikTok For You Page (FYP) là gì? Làm sao để được lọt vào danh sách “For You Page”
Nhưng để có thể xây dựng được một dự án có quy mô thị trường lớn đòi hỏi đội ngũ Founder phải có tầm nhìn, có chiến lược và các giải pháp cụ thể cho các vấn đề mà doanh nghiệp thường gặp phải. Tiếc thay, giữa cả triệu những ý tưởng đôi khi chỉ có một giấc mơ nhỏ bé có thể trở thành sự thật.
Nhưng không sao, hãy dám ước mơ, khao khát và hiện thực hóa nó. Đừng chỉ để sự nghiệp chỉ xuất hiện vào ban đêm. Nếu bạn đã có một sản phẩm tốt, một mô hình kinh doanh có khả thi, biên độ thị trường đủ lớn, đã và đang hiện thực hóa nó mang lại hiệu quả thì hãy thử một lần chơi lớn kêu gọi vốn từ những quỹ tài chính hoặc các nhà đầu tư thiên thần xem sao.
Nhưng trước tiên, hãy viết ra một Pitch Deck hay còn gọi là Bản quảng cáo chiêu hàng… Đây là tài liệu mà họ đang chờ bạn gửi tới trước khi tiến hành vòng tiếp theo.
Pitch Deck là gì?
Pitch Deck hay còn gọi là Bản quảng cáo chiêu hàng thực chất là một bản thuyết trình được thiết kế để giúp các nhà đầu tư hiểu sơ lược về sản phẩm, mô hình kinh doanh, các giải pháp thị trường, đội ngũ sáng lập của một Startup. Đây là tài liệu thường được các nhà đầu tư yêu cầu đầu tiên khi doanh nghiệp có ý định kêu gọi vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư thiên thần.
Bản quảng cáo chiêu hàng có những điểm giống và không giống một bản kế hoạch kinh doanh. Với mẫu kế hoạch kinh doanh bạn cần phải xây dựng nó chi tiết với giải pháp cho từng vấn đề như nhân sự, ngân sách Marketing, nhập hàng, kênh phân phối…
Tuy nhiên, với bản quảng cáo chiêu hàng bạn không cần chi tiết như vậy. Mục đích của bản quảng cáo chiêu hàng đó là làm sao cho các nhà đầu tư nhìn thấy được tiềm năng dự án của doanh nghiệp, cách mà doanh nghiệp giải quyết các vấn đề đang và sẽ gặp phải, doanh nghiệp đã làm được gì để chứng minh rằng dự án đó là đúng đắn.
Nhưng nó cũng phải thực sự ngắn gọn, súc tích. Các nhà đầu tư không có thởi gian ngồi cả ngày chỉ nhìn vào những slide dày đặc toàn chữ với những câu từ không hướng trọng tâm đến cái mà họ muốn thấy. Vậy nên, hãy học cách xây dựng một bản quảng cáo chiêu hàng càng ngắn gọn càng tốt, nhưng nó phải đầy đủ mọi thứ cần thiết để bạn có thể nhận được vốn đầu tư.
Bố cục của một bản quảng cáo chiêu hàng.
Theo nhiều chuyên gia, một bản quảng cáo chiêu hàng nên có độ dài từ 12 đến 20 trang. Trong một số trường hợp 20 trang sẽ là quá dài, bạn có thể thu gọn nó về khoảng 15 trang. Trong 15 trang đó bạn phải nêu được hết các vấn đề sau đây…
Liên quan: Khoản vay chuyển đổi là gì? Tại sao nó có ý nghĩa đối với các nhà đầu tư vào năm 2021.
1. Giới thiệu về doanh nghiệp của bạn.
Trang trình bày đầu tiên của bản quảng cáo chiêu hàng của bạn cũng là trang trình bày quan trọng nhất. Đó là cơ hội để bạn tạo ấn tượng ban đầu tuyệt vời về doanh nghiệp trong mắt nhà đầu tư, vì vậy hãy đảm bảo rằng bạn không để mất cơ hội này.
Trang giới thiệu nên có các đầu mục như: logo doanh nghiệp (nếu có thể hãy kèm theo cả Slogan), tên doanh nghiệp (và các thông tin liên quan như địa chỉ, email, website, điện thoại), ngành hàng hay tên sản phẩm/ nhóm sản phẩm dịch vụ mà công ty đang hướng tới.
Nếu có thể hãy thêm cả thời gian sửa đổi bổ xung vào đó, thời gian chính là cột mốc khiến các nhà đầu tư có thể lưu tâm vì bạn thường xuyên quan tâm tới nó, quan tâm tới doanh nghiệp của mình.
2. Tiềm năng của thị trường và cơ hội.
Tiềm năng và quy mô của thị trường là điều mà các nhà đầu tư muốn nhìn thấy trong Slide thứ hai. Tại đây bạn phải cho các nhà đầu tư thấy được quy mô của thị trường mà doanh nghiệp bạn đang nhắm tới.
Nếu quy mô thị trường đủ lớn, đáng đồng tiền bát gạo để đầu tư thì rất có thể bạn sẽ nhận được những khoản vốn từ vòng Series A. Nhưng cũng đừng vì thế mà cường điệu hóa mọi thứ, dàn cá mập đủ thông minh để hiểu được các vấn đề bạn nêu ra, mà nếu họ muốn họ có đủ nguồn lực và công cụ để phân tích các dữ liệu đó.
Hãy cố gắng thể hiện các dữ liệu một cách chi tiết nhưng ngắn gọn, các con số nên có dẫn chứng cụ thể để chứng minh cho những gì bạn đề cập tới.
3. Định hướng phát triển.
Bạn dự định xây dựng doanh nghiệp bạn ra sao trong tương lai, phát triển các sản phẩm và dịch vụ như thế nào để mở rộng quy mô, các mặt hàng/ nhóm mặt hàng mà doanh nghiệp sẽ phát triển?
Không nhất thiết bạn cần phải chi tiết mọi thông tin tại trang này, mọi thứ sẽ được làm sáng tỏ nếu bạn lọt vào vòng tiếp theo.
4. Sản phẩm và dịch vụ.
Hãy nêu các sản phẩm và dịch vụ mà doanh nghiệp đã phát triển và dự định phát triển trong tương lai. Với các sản phẩm/ dịch vụ sẵn có doanh nghiệp đã có những bước đột phá nào trên thị trường hay chưa. Nếu có hãy thể hiện nó cụ thể bằng những con số.
5. Mô hình kinh doanh.
Khi đã có sản phẩm, dịch vụ phù hợp với thị trường trong hiện tại và tương lai, tiếp theo bạn định làm thế nào để bán nó tới tay người tiêu dùng?
Lúc này nó đòi hỏi bạn cần xây dựng một mô hình kinh doanh phù hợp. Tất nhiên các nhà đầu tư đôi khi cũng chẳng “mặn mà gì cho lắm” với các mô hình bạn đưa ra. Đơn giản vì “nó không giống đuôi ông này thì có thể na ná đầu bà kia“.
Và trong nhiều trường hợp khi bạn nhận được nguồn vốn các nhà đầu tư sẽ tư vấn hỗ trợ bạn xây dựng một mô hình kinh doanh phù hợp nhất giúp doanh nghiệp có thể đi nhanh nhất có thể.
Nếu bạn có một sản phẩm tuyệt vời, thị trường đầy tiềm năng có thể khai thác trong tương lai cộng với một mô hình phát triển có khả thi. Cơ hội doanh nghiệp nhận được nguồn vốn đầu tư là rất lớn.
6. Kế hoạch Marketing, phát triển thị trường.
Sau mô hình kinh doanh, bạn cần show ra kế hoạch và định hướng phát triển thị trường của mình. Nếu bạn biết rằng trong tương lai các mô hình kinh doanh B2B, B2C, C2C sẽ gặp nhiều hạn chế và bạn muốn áp dụng mô hình kinh doanh O2O để phát triển thương hiệu, vậy bạn sẽ làm như thế nào?
7. Phân tích đối thủ và sự cạnh tranh ngành.
Không nên nói với các nhà đầu tư rằng “mô hình của tôi, sản phẩm/dịch vụ của tôi là vô đối“. Bởi vì, chẳng có một mô hình nào là mới mẻ và cũng chẳng có sản phẩm nào là độc nhất vô nhị.
Mọi sản phẩm đều là biến thể được sao chép từ những cái đã tồn tại trước đó và cải thiện hữu ích hơn với người dùng trong thời điểm hiện tại hoặc tương lai.
Thật khó để có thể tìm thấy một sản phẩm độc nhất trên thị trường hiện nay, nó khó như việc thêm vào một nguyên tố mới trong bảng tuần hoàn hóa học.
Vậy nên, hãy phân tích sơ lược về thị trường ngành mà doanh nghiệp đang nhắm tới, đối thủ ra sao, họ hoạt động thế nào, nhược điểm là gì và bạn sẽ cải thiện chúng như thế nào…
8. Các dữ liệu kinh doanh và tài chính.
Thường thì nếu dự án của bạn đã bắt đầu được hiện thực hóa chúng ít nhiều sẽ có được những thành tựu cho dù rất nhỏ bé.
Nhưng đó lại là điểm sáng nhất khiến các nhà đầu tư thiện thần đặt niềm tin vào kế hoạch của doanh nghiệp bạn. Họ có thể thấy rằng “À, nó đã bắt đầu phát triển và có những khoản lợi nhuận đầu tiên. Đồng nghĩa rằng cho đến hiện tại nó có thể có khả thi“.
Hãy thể hiện dữ liệu một cách trực quan và rõ ràng nhất, không nên “khai vống” những dữ liệu này bởi một khi bạn được chú ý thì các nhà đầu tư sẽ kiểm tra tính xác thực của chúng, lúc đó chuột lại lòi đuôi, có thể bạn sẽ tuột mất một cơ hội duy nhất vì không ai thích làm việc và rót vốn cho kẻ làm ăn gian trá trong kinh doanh.
9. Đội ngũ hoặc nhà sáng lập.
Các nhà đầu tư khá quan tâm đến phần này, họ muốn biết bạn và đội ngũ của bạn có đủ sức lực để phát triển dự án này hay không? Các thành phần trong đội ngũ của bạn có những kỹ năng gì, có thể đảm đương được các nhiệm vụ cho dù khó khăn nhất không?
Hãy thể hiện cho các nhà đầu tư thấy được điểm mạnh của mỗi cá nhân trong toàn bộ tập thể đội ngũ sáng lập, việc này sẽ kích thích họ để ý kỹ hơn tới doanh nghiệp của bạn.
10. Các giấy tờ liên quan.
Dự án của bạn đã được cấp bằng sáng chế hay bảo hộ nhãn hiệu hay chưa, thủ tục pháp lý về cổ phần có đầy đủ hay không… Đó là những giấy tờ mà nhà đầu tư sẽ quan tâm.
11. Trang kết.
Đây là trang cuối cùng, tại trang này bạn cần khẳng định lại cho các nhà đầu tư rằng “họ sẽ đúng nếu rót vốn cho dự án của bạn”.
Đừng quên một lời “cảm ơn vì đã dành thời gian đọc những tài liệu này“, bao giờ cũng gắn thêm một lời kêu gọi hành động trên đó và luôn để lại các phương thức liên hệ với bạn tại cuối trang.
Về bố cục một bản quảng cáo chiêu hàng chỉ có vậy, tuy nhiên không phải ai cũng có thể xây dựng chúng trực quan, hấp dẫn nhất trong mắt các nhà đầu tư. Hãy nhớ, một ngày họ có thể nhận được cả trăm Pitch Deck giống như bạn, việc thể hiện nội dung, bố cục, màu sắc và câu từ ra sao khiến họ không quảng nó vào sọt rác là cả một nghệ thuật.
Sau nội dung này, Biznow dự định sẽ xây dựng một bài viết tiếp theo hướng dẫn các bạn cách xây dựng một Pitch Deck (bản quảng cáo chiêu hàng) bằng một công cụ hết sức hữu dụng, thay vì bạn phải ngồi cả tháng để chỉnh sửa dữ liệu trên Microsoft PowerPoint. Nếu bạn muốn hãy theo dõi Biznow trên Facebook để cập nhật khi có nội dung mới.
Thanh Dương – CEO Owleye