Tỷ lệ thoát trang là gì? Nó có ảnh hưởng tới thứ hạng SEO?

Thanh DươngTác giả: Thanh Dương21/10/2020
1488

Tỷ lệ thoát trang là một trong những số liệu thống kê rất quan trọng có trong công cụ hỗ trợ quản trị website – Google Analytics, nhờ vào số liệu này bạn có thể biết được lưu lượng khách truy cập và thoát ra tại từng trang và tổng tỷ lệ thoát trên toàn trang.

ty-le-thoat-trang-la-gi-no-co-anh-huong-toi-thu-hang-seo

Tuy nhiên, cũng không phải quá lo lắng khi website bạn có tỷ lệ thoát trang cao, đôi khi tỷ lệ thoát trang cao cũng có thể do người dùng đã tìm được câu trả lời của họ, nhưng điều đó không hẳn là bạn không giữ chân được khách hàng.

Có nhiều nguyên nhân khiến bạn có tỷ lệ thoát trang cao, bài viết này tập trung phân tích các định nghĩa, nguyên nhân khiến bạn đang rơi vào tình huống như vậy và cách giải quyết.

Và cũng xin nói thêm rằng, tỷ lệ thoát trang có ảnh hưởng rất lớn tới thứ hạng website của bạn trên SERP.

Tỷ lệ thoát trang là gì?

Tôi đã thử tìm kiếm các thông tin về nội dung này, và đoạn trích nổi bật của Google đã cho tôi câu trả lời ngay lập tức, bên dưới là ảnh chụp màn hình cho câu hỏi về tỷ lệ thoát trang.

ty-le-thoat-trang-la-gi-no-co-anh-huong-toi-thu-hang-seo-1

Hỏi thật rằng, với định nghĩa này bạn có hiểu không? Còn đối với tôi, tôi không hiểu được rõ nghĩa của nó.

Có nhiều thông tin mà Google hỗ trợ người dùng mang khái niệm và thông tin rất chung chung, ví dụ trên với đoạn này “số phiên trang đơn chia cho tất cả các phiên hoặc phần trăm tất cả các phiên trên trang web của bạn“. 

Thực sự đọc đến đó thôi cũng đã thấy khó hiểu, và đây là cách tôi định nghĩa lại về tỷ lệ thoát trang.

Tỷ lệ thoát trang -Bounce Rate tính bằng % lượng người truy cập vào website sau đó thoát ra mà không có hành động tiếp theo như tiến hành đặt hàng, điền form biểu mẫu liên hệ hoặc nhấp chuột vào liên kết bất kỳ để lật trang tiếp theo.

Ngắn gọn đó là họ chỉ ở lại trang đó và thoát ra ngay.

Google Analytics thống kê tỷ lệ thoát trang bằng cách lấy số lượt truy cập vào website (hoặc link bất kỳ có thể là bài viết, gian hàng) chia cho tổng số phiên đã hoạt động.

Ví dụ xem ảnh dưới…

ty-le-thoat-trang-la-gi-no-co-anh-huong-toi-thu-hang-seo-2

Với số lần xem trang là 2,986 lượt xem nhưng trong đó số lần thoát là 2,399 lượt, vậy tỷ lệ thoát toán trang sẽ là : (2399/2986)x100 = 80,34%.

Bạn hoàn toàn cũng có thể dựa vào phép tính này để xem tỷ lệ thoát trang trên từng đường dẫn cụ thể sau đó tìm hiểu và xem xét các nguyên nhân khiến khách hàng rời bỏ chúng mà không tiến hành xem trang thứ hai.

Từ đó có thể tìm cách điều chỉnh làm sao cho tỷ lệ thoát trang thấp xuống, giữ chân khách hàng lâu hơn, hoặc chuyển hướng khách hàng tới lời kêu gọi hành động (CTA) khác như liên hệ hoặc mua hàng.

Khách hàng có thể thoát khỏi trang bạn qua năm cách cụ thể sau:

  • Chuyển hướng truy cập khi thấy một liên kết ngoài mà họ quan tâm trong nội dung của website.
  • Bấm nút quay lại sau khi đã đọc được nội dung thông tin cần biết.
  • Đóng cửa sổ trình duyệt.
  • Nhập một url mới vào thanh địa chỉ trình duyệt và đi tới nó.
  • Ngừng hoạt động trên trang trong khoảng 30 phút và không quay lại khiến phiên làm việc hết hạn.

Và nếu thấy tỷ lệ thoát quá cao, hãy xem lại nội dung, cách bạn điều hướng khách hàng thông qua Form biểu, lời kêu gọi hành động hoặc liên kết nội bộ để có thể lưu giữ khách hàng trên trang được lâu hơn, với tỷ lệ chuyển đổi trang cao hơn.

Nguyên nhân chính khiến tỷ lệ thoát trang của bạn tăng cao.

Tôi tin rằng bạn đã hiểu phần nào về tỷ lệ thoát được thống kê trong Google Analytics, vậy tại sao bạn lại có tỷ lệ thoát cao đến vậy? Và tỷ lệ thoát là bao nhiêu cho hợp lý.

Theo thống kê từ kết quả nghiên cứu của Gorocketfuel, tỷ lệ thoát trung bình của tất cả các website trong mọi lĩnh vực ngành nghề hoạt động dao động từ 41%-51%. Trong đó…

20% – 45% cho các trang web thương mại điện tử và bán lẻ
25% – 55% cho các trang web B2B
30% – 55% cho các trang web tạo khách hàng tiềm năng
35% – 60% cho các trang web có nội dung phi thương mại điện tử
60% – 90% cho các trang đích
65% – 90% cho từ điển, cổng thông tin, blog và nói chung là các trang web xoay quanh tin tức và sự kiện.

ty-le-thoat-trang-la-gi-no-co-anh-huong-toi-thu-hang-seo-3

Như biểu đồ và con số thống kê trên, tùy thuộc vào lại hình website sẽ có tỷ lệ thoát trang khác nhau. Và để có cái nhìn tổng quan, hãy so sánh website của doanh nghiệp mình với các website trong cùng danh mục.

Tại sao người dùng thoát trang?

Các nguyên nhân liệt kê dưới đây sẽ chỉ cho bạn biết tại sao người dùng không tiếp tục có hành động khác trên trang thứ hai của bạn.

1. Nội dung không đáp ứng được kỳ vọng.

Giả sử tôi đang tìm kiếm nội dung về việc “độ đèn led ô tô vios“, và khi tôi thấy quảng cáo từ Google ads hoặc một đường link nằm tịa vị trí top đầu tôi sẽ truy cập vào đó.

Nhưng khi truy cập tôi thấy nội dung rất sơ sài, không có nhiều thông tin mang lại giải pháp cho nhu cầu của tôi vậy thì tôi sẽ nhấn nút “back” và quay trở lại trang kết quả tìm kiểm của Google để xem các nội dung từ website khác.

Hoặc ví như, tôi đang tìm kiếm loại bóng đèn led ô tô Vios 2019, tôi thấy quảng cáo và truy cập vào đó, tuy nhiên nó lại trả tôi về trang chủ với tất cả các loại đèn led ô tô khác nhau, và tôi không tìm thấy thứ tôi cần. Vậy là tôi thoát trang.

2. Thời gian tải trang quá lâu.

Với những website có thời gian tải trang chậm, không thể load được hết toàn bộ nội dung trang nhanh chóng, khi người dùng truy cập có thể phải mất thời gian đợi lâu cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới tình trạng Bounce Rate diễn ra.

3. Thiết kế xấu, khách hàng không thể tìm được chỗ điều hướng.

Thiết kế website xấu xí, lỗi thời và không có các tác vụ điều hướng khiến khách hàng như rơi vào ma trận, không tìm thấy nội dung cần thiết.

Việc thiết kế một website trực quan, dễ dàng cho khách hàng thao tác chuyển hướng sẽ khiến tỷ lệ thoát trang của bạn thấp đi rất nhiều.

Cải thiện tỷ lệ thoát trang cao cho webite.

Tỷ lệ thoát trang cao sẽ khiến chất lượng SEO trên từng nội dung và tổng thể SEO trên trang của bạn bị Google đánh giá thấp.

Chính vì vậy, lưu giữ người dùng ở lại trang lâu hơn, hoạt động nhiều phiên hơn, chuyển đổi nhiều trang hơn trên website là điều mà ai cũng hướng tới.

Và bạn có thể điều chỉnh nó từ chính các nguyên nhân tỷ lệ thoát của bạn tăng cao như đã được liệt kê phần trên.

Xây dựng nội dung chuẩn SEO, đừng quên liên kết nội bộ rất quan trọng.

Liên kết nội bộ có nhiều tính năng, trong đó có tính năng rất quan trọng đó là giữ chân người dùng và khiến họ chuyển hướng sang trang tiếp theo tại website của bạn.

Bạn có thể chèn liên kết nội bộ theo dạng Anchor text, hoặc cũng có thể thể hiện chúng theo dạng “bài viết liên quan, đọc thêm, có thể bạn quan tâm…”như chúng tôi vẫn xây dựng (hình dưới). 

ty-le-thoat-trang-la-gi-no-co-anh-huong-toi-thu-hang-seo-4

Giả sử người dùng đang đọc bài viết này về chủ đề SEO hoặc công cụ tìm kiếm, tôi có thể thêm một đường link tới bài viết liên quan với chủ đề tương tự, điều này kích thích khách hàng đọc nó.

Và thông thường, sau khi đã đọc hết các thông tin quan trọng trong nội dung này bạn cũng có thể tham khảo thêm bài viết phía dưới…

Ví dụ bài này: Core Web Vitals – Thuật toán mới của Google sẽ là một trong những yếu tố xếp hạng quan trọng.

Mẹo nhỏ, hãy tạo liên kết nội bộ hoặc liên kết ngoài với một cửa sổ mới để khách hàng lưu giữ lại trang này giúp giảm tỷ lệ thoát trang.

Tạo lời kêu gọi hành động khéo léo.

Lời kêu gọi hành động là một trong những yếu tố đánh giá một chiến dịch Marketing có thành công hay không.

Với Marketing Online, lời kêu gọi thường được sử dụng trong quá trình xây dựng nội dung. Người viết nội dung thường khéo léo đan xem nó trong các phân đoạn, thôi thúc khách hàng nhập vào các form liên hệ , xem thêm các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của mình hoặc tiến hành đặt hàng trực tuyến.

Ngoài việc giúp mang lại tỷ lệ chuyển đổi cao, CTA còn là một công cụ giúp giữ chân người dùng lâu hơn trên website, tiếp tục có hành động tiếp theo, giảm tỷ lệ thoát trang.

Tăng tốc độ tải trang.

Tối ưu hóa tốc độ tải trang của bạn, khiến người dùng không mất quá nhiều thời gian để truy cập vào trang hay chờ từng phần nội dung hiển thị một cách chậm chạp.

Để kiểm tra tốc độ tải trang bạn có thể sử dụng công cụ miễn phí của Google đó là PageSpeed ​​Insights.

Có nhiều nguyên nhân khiến website của bạn ngày một trở nên “chậm chạp”, ví dụ dung lượng ảnh không được tối ưu, quá nhiều các file Css, JavaScript thừa thãi, hoặc cũng có thể tài nguyên hosting/VPS bị cạn kiệt, hạn chế.

Nhưng chung quy lại vấn phải tìm ra nguyên nhân và khắc phục chúng. Bạn có thể thử sử dụng công cụ https://www.webpagetest.org/ để lọc các nguyên nhân khiến website của bạn chạy chậm.

Xây dựng website trực quan, dễ dùng với thanh công cụ điều hướng rõ ràng.

Một website xấu xí khiến bạn mất khách hàng ngay từ cái nhìn đầu tiên, thậm tệ hơn tôi sẽ không truy cập vào một trang web đã xấu lại không thể biết cách tìm các nội dung mình muốn đọc.

Hơn nữa, font chữ thì lệch lạc, bố cục trình bày nội dung thiếu chuyên nghiệp… bạn sẽ mất khách hàng chưa đến 30 giây.

Mẹo, nên thêm các video từ mạng xã hội giúp người dùng xem trực tiếp trên website.

Gắn thêm các video trên trang hoặc nội dung sẽ khiến khách hàng tăng thời gian phiên hoạt động (một phiên được tính là 30 phút).

Mặt khác, khi họ truy cập vào đường dẫn tới một trang cụ thể và nhấp chuột vào bất cứ thành phần nào trên website cũng được tính là một phiên mới vì khách hàng đã tương tác với nội dung hoặc website đó.

Xây dựng nội dung dài với những thông tin bổ ích.

Xin lưu ý là xây dựng nội dung dài không đồng nghĩa với việc bạn cung cấp được cho độc giả những thông tin bổ ích khiến họ muốn đọc và ở lại trang.

Việc xây dựng nội dung mỗi một người có một thủ thuật và sự khéo léo khác nhau, nếu như bạn cung cấp được cho độc giả những thông tin thực sự hữu ích và khiến họ đặc biệt quan tâm thích thú ngay từ phần mở bài thì bạn đã thành công.

Bạn đã biết: Xây dựng nội dung lấy khách hàng làm trọng tâm và tiếp thị thông qua mô hình TOFU, MOFU và BOFU

Kết luận: Tỷ lệ thoát trang cao là một tín hiệu xấu cho bạn biết về các vấn đề có thể website bạn gặp phải như đã được liệt kê phần trên, và nếu các vấn đề đó nghiêm trọng thì hành trình SEO của bạn đang gặp cản trở vô cùng to lớn.

Hãy kiểm tra lại mọi vấn đề để từng bước cải thiện chất lượng website, chất lượng nội dung… giúp giảm tỷ lệ thoát trang xuống thấp nhất. 

Trên công cụ Google Analytics, để xem tỷ lệ thoát trang bạn có thể vào Đối tượng – Tổng quan.

ty-le-thoat-trang-la-gi-no-co-anh-huong-toi-thu-hang-seo-5

Hoặc vào Hành vi – Tổng quan để có thể xem tỷ lệ thoát trang cho từng Url cụ thể.

ty-le-thoat-trang-la-gi-no-co-anh-huong-toi-thu-hang-seo-6

Tùy theo từng danh mục, nghành nghề. Hãy cố gắng giữ cho tỷ lệ thoát trang càng thấp càng tốt, đặc biệt là đối với các url nội dung hoặc sản phẩm.

Bảo Quân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *