Nhắm lại mục tiêu quảng cáo là gì và tại sao bạn nên làm vậy

Thanh DươngTác giả: Thanh Dương17/08/2021
2371
Nham Lai Muc Tieu Quang Cao La Gi Va Tai Sao Ban Nen Lam Vay
ads đầu bài

Nhắm lại mục tiêu quảng cáo (hay chúng ta còn gọi với thuật ngữ khác là quảng cáo bám đuổi) là một phương pháp tiếp thị lại trong các chiến dịch Marketing Online, vậy hiểu thế nào cho đúng và tại sao Marketer nên chú trọng đến giải pháp này.

ads giữa bài
Nham Lai Muc Tieu Quang Cao La Gi Va Tai Sao Ban Nen Lam Vay
Ảnh minh họa

Cách đây khoảng 3 năm khi mới bắt đầu xây dựng thương hiệu riêng cho doanh nghiệp của mình tôi khá bỡ ngỡ với các khái niệm về Marketing Online.

Các bạn không cần lạ bởi tôi là một thanh niên có râu của thế hệ 8X với X nhỏ xíu. Với tầm độ tuổi của chúng tôi sau khi hết quãng ngày mài đít trên ghế nhà trường là bắt đầu vác hồ sơ đi xin việc làm. Nếu những ai cùng thuộc thế hệ với tôi thì có thể thấy rõ một điều rằng “đa phần chúng ta đều xuất thân là dân thị trường chứ đâu có duyên trở thành các chủ tịch như thời nay”.

Công việc đầu tiên của tôi là tiếp thị sữa cô gái Hà Lan, chở sữa đi bán tại điểm, ngày đó khi đi làm mới cũng là lúc bắt đầu làm quen với các khái niệm rất cơ bản mà trong trường lớp chẳng ai dạy.

Gọi là nhân viên tiếp thị cho nó sang chứ thực chất là “thằng bán hàng” nhưng kiêm luôn chút xíu phần Marketing, thế là dần dần có đam mê với nghề. Mà ngày đó Internet đã làm gì phổ cập như bây giờ, đa phần các chiến dịch tiếp thị từ công ty đưa ra đều là hình thức tiếp thị truyền thống, cổ lỗ với các công cụ như Standee, Table standee, Leaflets…

Tôi nhớ mãi một kỷ niệm mà người sếp đầu tiên (giám sát bán hàng) của tôi đã “chửi như hát hay” khi hướng dẫn tôi làm việc…

Chẳng là, mới bước chân vào nghề rào cản lớn nhất của một nhân viên tiếp thị đó là tiếp xúc với khách hàng khi đi mở mới điểm bán. Việc gặp một người mà mình chưa quen biết để rồi thao thao bất tuyệt về lợi ích của sản phẩm, chính sách khuyến mãi đang có …. sẽ khiến nhiều người mới rất e ngại.

Ngại hơn nữa là nếu chẳng may vào thời điểm đó mà chị chủ shop “đang đến ngày bực mình” nhìn cái gì cũng thấy ngứa mắt thì đừng hỏi vì sao. Cứ phải gọi là cả đám tiếp thị xếp hàng dài chờ tới lượt, ông nào vào trước thì xác định coi như là vật thế mạng, đám còn lại chỉ cần nhìn vào đó là đủ hiểu có nên gặp chị không hay “chờ ngày đá đơm bông“.

Mà ông nào tiếp thị nhãn hàng mới chưa có tên tuổi gặp phải tình huống đó thì xin phép, đố dám tìm đến chị lần thứ hai.

Nhưng bản chất của một thằng thị trường không được như vậy… “cho dù có ê hề như nào, nhưng mày phải quay lại, quay lại để cho họ biết rằng mày đang bán sản phẩm này, có thể lần trước đó họ chưa có nhu cầu, nhưng các lần tiếp theo khi họ dần quen thuộc với thương hiệu và trong một lúc nào đó họ có thể quan tâm và biết đâu họ sẽ mua sản phẩm của mày, lúc đó mày mới bán được hàng, mới có thị trường” – thằng sếp tôi đã nói vậy. Kể cả dạo gần đây nếu anh em có ngồi uống bia với nhau tôi vẫn thường kể lại câu chuyện này như một lời trách yêu.

Cái nghề thị trường đã tôi tôi thế đó, tôi đến mức mà giờ đây da mặt có thể mang đi bán cho quân đội để làm áo giáp chống đạn. Nhưng nó nhắc nhở những người làm Marketing rằng “tiếp thị lại luôn đúng cho đúng cho dù bạn kinh doanh theo mô hình Online hay truyền thống“.

Vậy đấy, đó là câu chuyện nhỏ của tôi và bây giờ chúng ta bước vào nội dung chính tôi muốn chia sẻ với các bạn.

Nhắm lại mục tiêu quảng cáo là gì?

Trong các chiến dịch quảng cáo online trên các kênh như Google Ads, Facebook, Tiktok… chúng ta đều có mục tiêu, mục tiêu được ví như một tấm bia và bạn phải nhắm trúng đích để có nhiều hơn các cơ hội bán được sản phẩm hoặc tiếp cận được với những đối tượng khách hàng tiềm năng trong tương lai.

Mục tiêu ở đây chính là đối tượng khách hàng mà chiến dịch của doanh nghiệp bạn nhắm tới, ví dụ trong thời điểm này tôi đang tạo một kế hoạch khuếch trương thương hiệu cho dòng sản phẩm Owleye A360/S2, đây là một mẫu bóng đèn led ô tô dành cho các mẫu xe đã có sẵn bi cầu.

Lúc này tôi sẽ ngồi phân tích khách hàng mà chiến dịch nhắm tới bao gồm các chỉ số ví dụ như…

  • Tầm tuổi nào bắt đầu sở hữu xe hơi.
  • Dòng xe nào đã trang bị sẵn bi cầu
  • Các loại chân đèn phù hợp cho mỗi dòng xe
  • Giá thành sản phẩm có phù hợp với phân khúc khách hàng đích nhắm tới
  • Chương trình giảm giá liệu có kích thích khác hàng mua hàng

….. Và hàng loạt các chỉ số khác liên quan.

Khi đã có các dữ liệu từ cơ bản và chuyên sâu lúc này đội ngũ Marketing bắt đầu target đối tượng trên các nền tảng quảng cáo như Google GDN, Google Search, Youtube, Facebook…

Nhưng có một sự thật mà bạn nên biết, cho dù bạn target đối tượng chuẩn đến đâu thì cơ hội bạn bán được hàng ngay từ lần đầu tiên khách hàng tìm đến là rất thấp. Có một vài lý do như…

  • Khách hàng chưa biết đến thương hiệu này
  • Giá thành chưa phù hợp
  • Cuối tháng khách đang chưa có lương
  • Khách đang tìm kiếm thêm thông tin về thương hiệu trên internet trước khi đặt hàng
  • Vợ chưa đồng ý cho mua

Có cả tá lý do khiến khách hàng trì hoãn hành động, và lúc này bạn cần phải thực hiện một quy trình tiếp theo đó là nhắm lại mục tiêu quảng cáo.

Nhắm lại mục tiêu quảng cáo hay còn gọi là tiếp thị lại hoặc quảng cáo bám đuổi (Behavioral retargeting) là cách bạn nhắc nhở khách hàng liên tục về sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp bạn với mong muốn trong tương lại khi khách hàng có nhu cầu họ sẽ quay lại sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp bạn.

Đây là một quy trình hết sức cần thiết trong mỗi chiến dịch tiếp thị trực tuyến mà doanh nghiệp bạn cần phải triển khai, ít nhất là trong một giai đoạn nhất định khi hoàn thành KPI cho chiến dịch đó.

Có nhiều “chuyên gia online” cho rằng tiếp thị lại khác với nhắm lại mục tiêu quảng cáo, tuy nhiên theo cách tôi nghĩ thì chúng chẳng khác biệt nhau. Quy trình vẫn luôn là “đưa những thông điệp liên tục tới nhóm khách hàng tiềm năng đã tương tác với quảng cáo của bạn trước đó“.

Quảng cáo bám đuổi hoạt động như thế nào?

Nhìn chung bạn cũng không cần phải hiểu quá chuyên sâu về cơ chế hoạt động của các nền tảng quảng cáo, sơ lược nó có thể mô tả như thế này…

Khi bạn target đối tượng đối tượng cho chiến dịch, nhóm quảng cáo thành công lúc này quảng cáo sẽ bắt đầu được phân phối tới những khách hàng mà bạn nhắm tới.

Các nhà quảng cáo đều có thể theo dõi khách hàng thông qua việc cài đặt Cookie trên trình duyệt mà người dùng sử dụng, đó có thể là Chorme, Cốc Cốc, Firefox… Đồng nghĩa rằng nó sẽ nắm bắt được bạn thường xuyên đọc nội dung trên báo nào, lướt web vào thời điểm nào, bạn vừa tương tác với quảng cáo nào… Có thể coi đây là một thủ thuật theo dõi hành vi người dùng.

Hoặc đơn giản hơn với Facebook, bạn nhìn thấy một mẫu quảng cáo và bạn nhấn vào đó để đọc toàn bộ nội dung giới thiệu tuy nhiên chưa diễn ra các hành động khác như nhắn tin hay chuyển hướng đến trang đích (Ladipage) nhưng tất cả các hành động đó đều được lưu lại dưới dạng một ID Cookie.

Và để bám đuổi người dùng đã có hành vi quan tâm và tương tác với quảng cáo nhưng chưa diễn ra hành động tiếp theo các nhà tiếp thị sẽ sử dụng các ID cookie đã được lưu lại, sau đó được thêm vào danh sách đối tượng tiếp thị lại cho phép quảng cáo sẽ hiển thị lại với người dùng khi họ duyệt web.

Quy trình tiếp thị lại có thể mô tả ngắn qua các bước dưới đây…

  1. Người dùng truy cập trang web của bạn hoặc đã tương tác với quảng cáo của bạn
  2. Người dùng rời khỏi trang web của bạn và được theo dõi bởi cookie
  3. Người dùng nhìn thấy quảng cáo tiếp thị lại của bạn trên các trang web khác
  4. Người dùng nhấp vào quảng cáo của bạn để quay lại trang web của bạn
  5. Người dùng hoàn thành các hành động mong muốn trên trang web của bạn

Liên quan.

Tầm quan trọng của quy trình tiếp thị lại.

Đọc hết nội dung trên tin chắc rằng bạn đã hiểu lý do tại sao các chiến dịch quảng cáo của bạn nên tùy chọn thêm “Nhắm lại mục tiêu quảng cáo”. Đơn giản bởi vì việc nhắm lại mục tiêu sẽ giúp bạn “bắt được con cá đã sổng ra trước đó trong những lần kéo lưới tiếp theo“.

Đơn giản vì theo thống kê, sẽ có khoảng 96% khách hàng tiềm năng sẽ rời bỏ quảng cáo khi tương tác lần đầu tiên, và vì sao họ rời bỏ thì như phần trên tôi đã nói. Do đó nếu họ có thể có nhu cầu nhưng chưa mua hàng ngay khi tiếp cận chiến dịch của bạn, việc cần làm là thôi thúc họ khiến nhu cầu tăng lên và diễn ra hành động cuối cùng là đặt hàng.

Nhưng có thêm một lý lý do khiến bạn nên cân nhắc cho các chiến dịch tiếp thị lại đó là “chi phí quảng cáo”.

Theo Mailchimp, chi phí trung bình cho mỗi nhấp chuột trên quảng cáo Mạng hiển thị của Google là $ 0,56. Đó là mức giá trung bình cho mỗi nhấp chuột của người dùng vào một quảng cáo tiếp thị lại thanh toán. Ngược lại, chi phí mỗi lần nhấp chuột cho quảng cáo chuẩn của Google là 1,33 đô la. Con số này giảm 0,70 đô la so với Quý 3, nhưng nó vẫn đắt hơn 0,77 đô la so với quảng cáo tiếp thị lại (dữ liệu phân tích trong năm 2018).

Chúng ta thấy kết quả tương tự nếu chúng ta xem xét và tính toán các con số dựa trên giá trị trung bình. Nếu chi phí trung bình của một quảng cáo trả cho mỗi lần nhấp chuột trên trang kết quả của công cụ tìm kiếm là từ $ 2 đến $ 3, thì quảng cáo tiếp thị lại có giá từ $ 0,25 đến $ 0,60. Giá cả có thể khác nhau giữa các lĩnh vực, với các ngách cạnh tranh hơn sẽ đắt hơn.

Thống kê cho ta nhận thấy một thực tế rằng, để có một khách hàng mới tương tác quảng cáo nhà tiếp thị có thể mất tới 2 đến 3 usd mà có thể là mất trắng vì họ chưa mua hàng ngay từ lần đầu tiên, tuy nhiên nếu sử dụng chiến dịch tiếp thị lại của Google bạn chỉ có thể phải bỏ ra khoảng 0,6 usd để khiến họ đặt hàng.

Đối với nền tảng Facebook, chi phí quảng cáo của bạn sẽ thay đổi dựa trên một số yếu tố như đối tượng,ngành, mục tiêu và việc tối ưu hóa cài đặt của bạn.

Theo Dan Rohsler – Giám đốc Marketing tại đại lý kỹ thuật số Power Digital Marketing cho biết, thông thường nhà quảng cáo mong đợi giá thành trên một nghìn lần hiển thị (CPM) sẽ thay chỉ dao động trong khoảng từ 5 đến 10 usd và giá mỗi nhấp chuột (CPC) dưới 2 usd.

Tương tự như vậy, Kevin Miller, Giám đốc tăng trưởng của ứng dụng mua nhà Open Listings cho biết “chi phí trung bình an toàn cho mỗi nhấp chuột trên Facebook đối với hầu hết các doanh nghiệp là 1,5 usd, chi phí CPC để nhắm lại mục tiêu thường nằm trong phạm vi 0,75  đến 1,25 usd.

Nham Lai Muc Tieu Quang Cao La Gi Va Tai Sao Ban Nen Lam Vay 1
Chi phí trung bình cho mỗi hành động trên Facebook – Nguồn Wordstream.com

Có thể thấy rằng, so với việc bỏ ra khoảng 2 usd để tiếp cận khách hàng mới mà chưa biết họ có mua hàng ngay không thì việc bám đuổi khách hàng để mời chào với chi phí từ 0,75 usd cho đến 1,25 usd là tiết kiệm và mạng lại hiệu quả lớn hơn rất nhiều nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ.

Vậy kết luận cuối cùng về tầm quang trọng của tiếp thị lại có thể gạch đầu dòng như sau…

Nhắm mục tiêu chính xác.

Thay vì đi tìm kiếm những khách hàng mới mà chưa mà chưa biết họ có đúng là tập khách hàng đích hay không, các chiến dịch tiếp thị lại sẽ tạo cơ hội cho cho doanh nghiệp bạn nhắm mục tiêu chính xác tới những người đã tương tác và bày tỏ sự quan tâm tới nhãn hiệu.

Thiết lập chiến dịch, quảng cáo, trang đích chính xác hơn.

Bạn đã biết người dùng mục tiêu của mình là ai. Bây giờ bạn có thể tạo quảng cáo được thiết kế riêng cho họ. Những người đã thể hiện sự quan tâm đến những gì bạn đang cung cấp và trước đây đã truy cập vào trang web của bạn có nhiều khả năng tương tác với các quảng cáo nhắm mục tiêu lại của bạn hơn.

Tăng chuyển đổi và giảm giá thành.

Việc tạo ra các chiến dịch bám đuổi sẽ khiến khách hàng tiếp cận được với thương hiệu của doanh nghiệp và dần quen thuộc với các yếu tố như Logo, biểu ngữ, hình ảnh sản phẩm, màu sắc… Với việc liên tục tiếp cận với những yếu tố trên sẽ khiến khách hàng dần quen thuộc hơn với thương hiệu của doanh nghiệp. Đây là mục đích cao nhất của mọi chiến dịch Marketing Online.

Và khi quảng cáo của bạn liên tục bám đuổi nó sẽ như một lời nhắc, một lời thôi thúc khách hàng hành động. Đây là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp trong toàn bộ phễu bán hàng nhằm mục đích biến khách hàng tiềm năng thành khách hàng.

Tóm lược lại nội dung này bạn có thể cần biết rằng, việc nhắm lại mục tiêu quảng cáo là hết sức cần thiết nhằm tiết kiệm cho phí và mang lại nhiều cơ hội bán hàng hơn cho những vị khách hàng tiềm năng. Với việc tiếp thị lại liên tục doanh nghiệp sẽ gia tăng khả năng giúp khách hàng nhận diện tốt hon về thương hiệu của mình.

ads cuối bài

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *