Có thể thay đổi xuất xứ hàng hóa khi thương thảo hợp đồng?

Thanh DươngTác giả: Thanh Dương27/07/2020
738

Một trong những nội dung thương thảo hợp đồng là thương thảo về các vấn đề phát sinh trong quá trình lựa chọn nhà thầu (nếu có) nhằm mục tiêu hoàn thiện các nội dung chi tiết của gói thầu.

co-the-thay-doi-xuat-xu-hang-hoa-khi-thuong-thao-hop-dongCông ty ông Thiệu Việt Phương (Hà Nội) đang tổ chức lựa chọn nhà thầu cho một gói thầu theo hình thức chào hàng cạnh tranh thông thường qua mạng, phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ, phương pháp đánh giá: Giá thấp nhất.

Theo hướng dẫn tại Thông tư 05/2018/TT-BKHĐT, tổ chuyên gia lựa chọn đánh giá E-HSDT theo quy trình 2. E-HSDT của nhà thầu A được đánh giá là đạt ở tất cả các nội dung. Tổ chuyên gia hoàn tất báo cáo đánh giá E-HSDT.

Trên cơ sở đó, bên mời thầu mời nhà thầu A tới tham dự đối chiếu hồ sơ và thương thảo hợp đồng. Tổ chuyên gia được giao đại diện bên mời thầu tham gia thương thảo hợp đồng. Trước ngày thương thảo 3 ngày, nhà thầu A gửi công văn tới bên mời thầu thông báo do tình hình dịch Covid tại Trung Quốc, thiết bị X có model là X1 (E-HSDT chào là xuất xứ Trung Quốc), nay đề nghị thay đổi thành xuất xứ Việt Nam.

Lúc này, tổ chuyên gia/bên mời thầu đánh giá: E-HSMT không quy định các tiêu chuẩn đánh giá về xuất xứ hàng hóa, các thay đổi về xuất xứ không làm ảnh hưởng tới kết quả đánh giá E-HSDT.

Theo Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 4/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng vật tư hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn Nhà nước, bên mời thầu kiến nghị chủ đầu tư phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu: Nhà thầu A có giá thấp nhất trúng thầu.

Ông Phương hỏi, tổ chuyên gia/bên mời thầu kiến nghị nhà đầu tư phê duyệt nhà thầu A trúng thầu là phù hợp hay không?

Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời như sau:

Điểm c Khoản 3 Điều 19 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định một trong những nội dung thương thảo hợp đồng là thương thảo về các vấn đề phát sinh trong quá trình lựa chọn nhà thầu (nếu có) nhằm mục tiêu hoàn thiện các nội dung chi tiết của gói thầu.

Đối với vấn đề của ông Thiệu Việt Phương, việc thương thảo hợp đồng được thực hiện theo quy định nêu trên. Trường hợp trong quá trình lựa chọn nhà thầu có phát sinh tình huống trong đấu thầu thì xử lý theo nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả, kinh tế (Điều 86 Luật Đấu thầu).

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *