Khi các mặt hàng nông sản (sản phẩm nông nghiệp và thủy sản) xuất khẩu sang nước ngoài thì áp dụng các tiêu chí kỹ thuật (an toàn vệ sinh thực phẩm rất cao), song khi được tiêu dùng trong nước, đặc biệt tại các chợ dân sinh, rồi vào quán nhậu, nhà hàng thì tiêu chuẩn về an toàn dường như chưa được quan tâm đúng mức. Đây chính là thực tế giữa hàng nông sản xuất khẩu và hàng nông sản phục vụ thị trường trong nước cần phải có sự quản lý thống nhất.
Tại buổi tọa đàm “Xuất khẩu châu Âu từ lợi thế EVFTA, hàng Việt cần gì?” diễn ra ngày 3/9, lãnh đạo một doanh nghiệp vừa xuất khẩu lô gạo đầu tiên vào EU với mức thuế 0% nêu nhận định “90% người tiêu dùng Việt Nam ăn gạo “bẩn”. Thông tin này làm nóng mạng xã hội và dư luận, ngay lập tức Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lên tiếng.
Vì khi nghe cụm từ “90% người dân ăn gạo bẩn” xét ở góc độ an toàn thực phẩm là khá “sốc”, còn xét ở góc độ thương mại quốc quốc tế và du lịch có khi ảnh hưởng đến kinh tế đất nước. Nên phản ứng với phát biểu này là chuyện bình thường.
Tuy nhiên, đọc kỹ cách giải thích của lãnh đạo doanh nghiệp xuất khẩu nọ thì việc thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (sản xuất theo tiêu chuẩn GAP và trên tiêu chuẩn GAP như tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ ) là chuẩn mực được Việt Nam và cả thế giới đánh giá là sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn. Trong đó, có cả ngành lúa gạo. Nghĩa là khi sản phẩm nông sản được cho là “sạch” phải đạt tiêu chuẩn từ GAP trở lên, còn không đạt tiêu chuẩn GAP thì xem là ‘bẩn”.
Theo vị giám độc nọ, “bẩn” ở đây là nói theo tiếng Việt, tức không đạt tiêu chuẩn GAP. Và thực tế, trong tổng số khoảng 4,5 triệu ha đất canh tác hiện nay, số diện tích đất để quy hoạch, áp dụng trồng trọt theo mô hình tiêu chuẩn GAP còn khiêm tốn.
Từ nhận định của vị giám đốc nọ và nghĩ về thực tế sản xuất nông nghiệp ở nước ta hiện nay, ngoài việc một số địa phương thực hiện việc dồn điền đổi thửa để tạo ra các cánh đồng mẫu lớn, áp dụng các tiến bộ khoa học để tăng năng suất; ngoài một số hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp theo mô hình an toàn (như mô hình rau an toàn VietGap), còn lại là đa số nông dân trồng tự phát.
Trong quá trình gieo trồng từ gạo đến rau củ quả, hoa màu họ bón phân thế nào? Phun thuốc trừ sâu ra sao là tùy họ, đấy là chưa kể một số hộ dân còn dùng thuốc kích thích. Tất cả chỉ dựa trên kinh nghiệm chứ không có một quy chuẩn nào về quy trình. Ví dụ, bón bao nhiêu phân, sử dụng bao nhiêu loại thuốc (hàm lượng) là đủ. Từ lúc bón, lúc phun thuốc đến lúc thu hoạch thời gian bao lâu là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm? Tất cả đều không có.
Trong khi trên địa bàn thành phố Hà Nội có hàng trăm chợ dân sinh bán các hàng nông sản do nông dân tự canh tác cung cấp, liệu chất lượng, an toàn vệ sinh ra sao? Thực tế, chưa có bất kỳ cơ quan nào đến các chợ dân sinh “lấy mẫu” hàng loạt về kiểm tra an toàn thực phẩm. Trong khi đó, theo thống kê, những năm qua, Việt Nam là nước nhập khẩu các loại thuốc bảo vệ thực vật cao tốp đầu thế giới.
Nói “90% người dân trong nước ăn gạo bẩn” xét góc độ nào đó là khá lộng ngôn. Tuy nhiên, xét góc độ “siết” các quy chuẩn về hàng hóa nông sản khi xuất khẩu với hàng hóa tiêu dùng trong nước đã đến lúc các cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần ban hành quy chuẩn rõ ràng, sau đó là đến khâu thanh, kiểm tra. Đơn giản như mặt hàng tôm, khi xuất khẩu, phải qua khâu sát hạch dư lượng thuốc kháng sinh rất cao.
Đủ tiêu chuẩn mặt hàng tôm mới được xuất khẩu. Song thị trường trong nước, từ tôm sống bán ở chợ, ở cửa hàng, nhà hàng, đến tôm đông lạnh đã có cơ quan nào kiểm tra dư lượng thuốc kháng sinh? Đã có quy định về dư lượng thuốc kháng sinh cho tôm bán ở chợ dân sinh ra sao hay chưa?
Và qua câu chuyện phát ngôn về gạo, người tiêu dùng trong nước cũng có quyền và được quyền đòi hỏi các cơ quan chức năng ban hành và quản lý chất lượng hàng nông sản tiêu dùng trong nước như với các sản phẩm xuất khẩu!