Igor Sikorsky: Thiên tài người Nga thiết kế máy bay cho Tổng thống Mỹ.

Thanh DươngTác giả: Thanh Dương16/09/2020
1301

Marine One – trực thăng chuyên chở Tổng thống Mỹ từ năm 1957 chỉ là một trong số rất nhiều máy bay trực thăng được thiết kế bởi thiên tài người Nga, nhân vật mà đến cả nước Mỹ cũng coi như người hùng.

Một ngày khi còn bé, Igor Sikorsky đến nói với mẹ rằng, đêm hôm trước ông mơ thấy mình được lái một chiếc máy bay. Đối với mẹ của Sikorsky, đó là một điều khá bình thường, bởi họ đang sống trong thời kỳ của những người tiên phong trong lĩnh vực hàng không và công chúng đều bị thu hút với ý tưởng một ngày nào đó con người sẽ có thể tung hoành trên bầu trời.

Nhưng, bà có lẽ không bao giờ nghĩ rằng, con trai mình – Igor Sikorsky – là người sẽ cách mạng hóa lĩnh vực hàng không.

Đồ chơi và niềm đam mê

igor-sikorsky-thien-tai-nguoi-nga-thiet-ke-may-bay-cho-tong-thong-my
Mẫu máy bay của Leonardo da Vinci.

Cha đẻ của tương lai ngành hàng không sinh ra ở Kiev, Đế quốc Nga, vào năm 1889 – là con trai của bác sĩ tâm thần nổi tiếng Ivan Sikorsky và bà Maria Sikorskaya – người có niềm đam mê với với nghệ thuật và những ý tưởng vượt thời gian của thiên tài Leonardo da Vinci. Rất có thể, bà chính là người đã truyền cảm hứng cho con trai, bao gồm cả ý tưởng về mẫu trực thăng nguyên bản của da Vinci.

Sikorsky thời trẻ đam mê máy bay đến mức ông đã thiết kế chiếc máy bay trực thăng đồ chơi đầu tiên vào năm 12 tuổi. Khi lớn lên, Sikorsky theo đuổi sự nghiệp hàng không và có những bước đột phá thực sự vào năm 1910. Năm đó, Sikorsky tự mày mò chế tạo những chiếc máy bay cơ bản. Ông cần mẫn thử nghiệm và tìm lỗi, mặc dù tồn tại một số sai sót có thể gây tử vong.

Mặc dù máy bay thông thường dễ thiết kế hơn nhưng Sikorsky luôn nung nấu ý tưởng tạo ra một chiếc máy bay có thể bay theo chiều thẳng đứng giống ý tưởng của da Vinci.

Một lần, ông thiết kế một chiếc xe trượt tuyết chạy bằng động cơ và cánh quạt, được cho là có thể đạt tốc độ lên tới 40 km/giờ. Người dân thành phố Kiev rất thích thú với mẫu xe này và ông thành một người nổi tiếng. Một thời gian ngắn sau, tài năng thiết kế của Sikorsky đã mang đến một lời mời làm việc mà ông không thể chối từ.

Quà tặng của Sa hoàng

igor-sikorsky-thien-tai-nguoi-nga-thiet-ke-may-bay-cho-tong-thong-my-1
Mẫu thiết kế trực thăng đầu tiên của Sikorsky.

Năm 1912 đánh dấu sự thăng tiến trong sự nghiệp của Sikorsky tại Nga. Chàng kỹ sư 23 tuổi được mời làm việc tại Russo-Balt, một công ty nổi tiếng đi tiên phong trong sản xuất ô tô và máy bay. Chỉ trong một năm, Sikorsky và nhóm của ông đã thiết kế, lắp ráp chiếc máy bay 4 động cơ đầu tiên trên thế giới. Vào ngày 10/5/1913, chiếc máy bay cỡ lớn “Sikorsky Russky Vityaz” – hay còn gọi là “Hiệp sĩ Nga – đã thực hiện thành công chuyến bay đầu tiên.

Sự kiện này đột phá đến mức thu hút cả sự chú ý của Sa hoàng Nicholas II, người đã đích thân đến kiểm tra chiếc máy bay mới và gặp mặt người tạo ra nó. Ấn tượng với kỹ sư thiên tài, Sa hoàng đã tặng Sikorsky một chiếc đồng hồ vàng – một món quà cao quý và là dấu hiệu cho thấy sự quan tâm đặc biệt của hoàng đế đối với nhà phát minh trẻ.

Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi sau Cách mạng năm 1917, Sikorsky không còn cơ hội sử dụng tài năng của mình trong thiết kế máy bay mới. Chính quyền quan tâm nhiều hơn đến kỵ binh – sức mạnh quân sự có ích trong cuộc nội chiến hiện tại hơn là các máy bay chưa được sử dụng rộng rãi trong chiến đấu vào thời điểm đó.

Sikorsky – người chỉ vài năm trước được Sa hoàng sủng ái – giờ rơi vào thời điểm tuyệt vọng. Ông mất tất cả số tiền đã đầu tư vào nhà máy vì bị chính quyền quốc hữu hóa và tái sử dụng để sản xuất xe tăng. Chán nản vì sự nghiệp dang dở, Sikorsky rời bỏ Nga đến phương Tây.

Giấc mơ Mỹ

Sau một thời gian ngắn ngủi và không thành công ở Pháp, Igor Sikorsky chuyển đến Mỹ vào tháng 3/1919. Ông chọn Mỹ không chỉ vì đây là bến bờ của nhiều người nhập cư vào thời điểm đó, mà còn vì ông cho rằng lãnh thổ khổng lồ của Mỹ – có thể so sánh với lãnh thổ quê hương Nga về quy mô – sẽ giúp máy bay và trực thăng của ông có ích hơn trong vai trò phương tiện giao thông vận tải.

Nhưng, cuộc sống ban đầu không dễ dàng đối với người nhập cư tài năng. Sikorsky phải dạy toán để kiếm tiền, nhưng ông không mất niềm tin vào niềm đam mê cả đời của mình.

“Tôi đã từng có những ngày tháng đói kém ở Mỹ. Nhưng chưa ngày nào tôi mất hy vọng vào niềm đam mê máy bay. Tôi tự nhủ với mình rằng: Cảm ơn Chúa, tôi ở đây như một người tự do. Không ai có thể ra lệnh cho những gì tôi làm. Nếu thất bại, tôi có thể thử lại!”, Sikorsky nói về quãng thời gian ở Mỹ.

Để thực hiện ước mơ, vào năm 1923, ông thành lập Sikorsky Aero Engineering Corporation, một công ty nhỏ ở Roosevelt, New York. Công ty đã không hoạt động tốt trong thời gian đầu và được cứu khỏi phá sản bởi nhà soạn nhạc người Nga Sergei Rachmaninoff, người cũng đã rời Nga sang Mỹ sau cách mạng nhưng trở nên giàu có nhanh hơn Sikorsky.

Số tiền 5.000 USD (tương đương khoảng 76.000 USD vào năm 2020) mà Rachmaninoff cho Sikorsky vay và một số quỹ bổ sung mà nhà phát minh có thể tự huy động đã giúp công ty rất nhiều.

Đến năm 1924, công ty cho ra mắt Sikorsky S-29-A, máy bay hai động cơ đầu tiên lắp ráp tại Mỹ. Chiếc máy bay có thể mang tới 14 hành khách và đạt tốc độ lên đến 185 km/h.

Ngay sau đó, công ty bắt đầu sản xuất thủy phi cơ, máy bay có thể hạ cánh trên mặt nước. Trong đó có mẫu Sikorsky S-42 đã được sử dụng bởi công ty Pan American Airways cho các chuyến bay xuyên Đại Tây Dương.

Cha đẻ của máy bay trực thăng.

igor-sikorsky-thien-tai-nguoi-nga-thiet-ke-may-bay-cho-tong-thong-my-2
Chiếc máy bay trực thăng đầu tiên ra đời

Sau những thành công vang dội, Sikorsky quay trở lại giấc mơ thời thơ ấu của mình: Thiết kế một chiếc máy bay cất cánh chiều thẳng đứng – loại máy bay mà thế giới hiện đại biết đến với cái tên trực thăng.

Sikorsky nhập tịch Mỹ từ năm 1928 và ngày càng gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực mà ông đam mê cả đời. Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của trực thăng Vought-Sikorsky VS-300 được thực hiện vào ngày 14/9/1939 và chuyến bay tự do đầu tiên diễn ra vào ngày 24/5/1940.

Thành công ban đầu đã truyền cảm hứng cho Sikorsky chế tạo mẫu Sikorsky R-4 vào năm 1942, một chiếc trực thăng hai chỗ ngồi hoàn toàn mới và trở thành chiếc trực thăng đầu tiên được không quân Mỹ sử dụng và cũng là chiếc máy đầu tiên trên thế giới được sản xuất trên quy mô lớn.

Kể từ đó, Igor Sikorsky đã thiết kế khoảng 30 mô hình máy bay và trực thăng, trở thành một huyền thoại sống, được ghi danh ở Đại sảnh Danh vọng Hàng không & Vũ trụ Quốc tế năm 1966.Năm 1957, một chiếc máy bay theo thiết kế của Sikorsky đã được Nhà Trắng ủy quyền sản xuất khi Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower yêu cầu một phương tiện di chuyển hiệu quả hơn trên quãng đường ngắn. Nhà Trắng đã đặt hàng Sikorsky H-34 và sau đó thay thế bằng Sikorsky SH-3 Sea King vào năm 1961.

Đến năm 2006, Nhà Trắng có 19 máy bay trực thăng theo thiết kế của Sikorsky phục vụ cho tổng thống và phó tổng thống.

Igor Sikorsky qua đời tại nhà riêng ở Easton, bang Connecticut, vào ngày 26/10/1972. Sinh ra ở Nga, Sikorsky luôn khao khát trở về mảnh đất quê hương nhưng cuối cùng ông đã cống hiến sự nghiệp trọn đời cho nước Mỹ.

Ngày nay, Igor Sikorsky được nhớ đến như một anh hùng dân tộc, ở cả Mỹ và Nga. Ông được biết đến như một người đi tiên phong trong lĩnh vực hàng không và biến thế giới trở thành một nơi nhỏ bé hơn trong mắt tất cả mọi người.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *