3P: Ba yếu tố quyết định tới sự thành bại của một thương hiệu.

Thanh DươngTác giả: Thanh Dương06/03/2023
1855

Bạn đã nghe đến mô hình quản lý 3P bao giờ chưa? Trên thực tế có khá nhiều tài liệu nói về ba yếu tố tạo dựng thành công cho một doanh nghiệp đó là 3P hoặc 3Ps. Tuy nhiên, dựa trên sự hiểu biết và trải nghiệm thực tế của bản thân tôi lược dịch nó theo cách mà tôi cho là đúng nhất…

3p Ba Yeu To Quyet Dinh Toi Su Thanh Bai Cua Mot Thuong Hieu

Lược dịch về các nội dung liên quan tới 3P.

Có một số tài liệu nói về 3P với 3 yếu tố chính trong một doanh nghiệp bao gồm: People. Profit, Planet – Con người, Lợi nhuận và Hành tinh (môi trường). Ý ngụ của nội dung nói nên rằng “để tạo dựng một doanh nghiệp đi đến thành công luôn phải bao gồm 3 yếu tố chính.

  • People – Con người: là nhân tố chính tạo dựng và vận hành được các công việc của doanh nghiệp.
  • Profit – Lợi nhuận: khi doanh nghiệp có con người, họ sẽ cùng làm việc và tạo ra lợi nhuận.
  • Planet – Hành tinh hay môi trường sống: khi doanh nghiệp đã tạo dựng được vị thế phải chú trọng tới môi trường sống cho đội ngũ, phải bảo vệ môi trường, phải đóng góp cho lợi ích chung của khách hàng….

Nhưng tôi lại không hoàn toàn đồng ý với quan điểm của nội dung này. Theo một cách sát nghĩa nhất chúng ta nên gọi yếu tố 3P trong doanh nghiệp đó với 3 cấu trúc: People – Con người, Profit – Lợi nhuậnProduct – Sản phẩm hoặc People – Con người, Process – Quá trình Product – Sản phẩm.

Trên thực tế, cho dù chúng ta có hiểu nó theo bất cứ cách nào đi nữa thì đúc rút cuối cùng vẫn là vận dụng được những yếu tố quan trọng để đưa doanh nghiệp bạn xâm nhập thị trường, lấy ví dụ nếu bạn xét đến lợi nhuận thì toàn bộ quy trình sản xuất, vận hành đều được gọi chung là quy trình – Process và nó đều là các bước thực hiện giúp doanh nghiệp bạn có được những đồng lợi nhuận đầu tiên hoặc gia tăng dòng tiền một cách nhanh chóng.

People – Con người.

Con người (hay nhân sự, đội ngũ) là yếu tố quyết định đến sự thành bại của một doanh nghiệp.Kể cả khi doanh nghiệp của bạn có chỉ mình bạn hay có những đội nhóm làm việc thì nó đều mang lại những hệ quả nhất định. Doanh nghiệp tồn tại dựa trên các mối quan hệ và các mối quan hệ đều dựa trên con người.

Để gây dựng một thương hiệu thành công hãy tập trung vào con người, cần phải tập hợp được một đội ngũ tốt nhất, nên nhớ “Chất lượng hơn số lượng & Đa dạng hơn đồng nhất“. Số lượng nhân sự lớn không đồng nghĩa rằng họ có thể giải quyết công việc hiệu quả giống như một nhân viên có chất lượng với những kỹ năng tốt.

Tập trung vào việc thuê đúng người với các kỹ năng phù hợp. Đừng chấp nhận ít hơn với hy vọng rằng cuối cùng việc thuê thêm thành viên trong nhóm sẽ bù đắp được những hạn chế của đội nhóm. ‍Đó là một công thức mang lại thảm họa cho doanh nghiệp. Cũng giống như vậy, một đội ngũ nhân sự đa dạng về kỹ năng luôn có năng suất cao hơn một lực lượng đồng nhất. Sự đa dạng cung cấp một loạt các lợi ích, ví dụ…

  • Hiệu suất của nhân viên tốt hơn
  • Thêm kỹ năng cần thiết giải quyết vấn đề
  • Họ sẽ bổ xung được các kinh nghiệm cho nhau
  • Nhân sự đổi mới sáng tạo
  • Tiếp cận tập khách hàng rộng hơn
  • Kinh nghiệm học tập
  • Giải quyết vấn đề nhanh hơn

Để có thể xây dựng được một đội ngũ nhân sự có khả năng hãy tập trung vào các vấn đề sau đây…

1. Tuyển dụng, thuê và giữ chân những người giỏi từ nhiều nguồn gốc khác nhau.

Hệ sinh thái nhân sự có nhiều kỹ năng sẽ giúp doanh nghiệp bạn “dễ dàng vượt cạn” cho dù gặp bất cứ khó khăn nào bởi những người nhân viên này họ có những kỹ năng giải quyết vấn đề đa dạng qua quá trình trải nghiệm thực tế ở những môi trường khác nhau.

2. Đặt mọi người vào đúng vai trò.

Đừng cố gắng tìm kiếm những nhân sự giá rẻ và hy vọng thuê được nhiều họ sẽ làm được nhiều hơn, đây là một quan điểm hết sức sai lầm. Với một đội ngũ đông đảo bạn sẽ mất nhiều thời gian và chi phí quản lý, nhưng hiệu quả lại có thể giảm sút nếu như họ không có kỹ năng.

Luôn sắp xếp nhân sự vào đúng vị trí mà họ mạnh nhất,có nhiều kỹ năng nhất. Đừng đặt bất cứ ai vào việc mà họ ít kinh nghiệm và không thích làm.

3. Tạo cơ hội cho nhân viên của bạn học các kỹ năng mới và thăng tiến trong sự nghiệp.

4. Tạo ra một môi trường làm việc tích cực, khuyến khích mọi người cố gắng hết sức.

5. Nhấn mạnh vào trách nhiệm giải trình và giám sát hoạt động của cá nhân và nhóm.

7. Hiểu phong cách cá nhân và điểm mạnh của mọi người.

Process – Quá trình.

Có một vài nội dung gọi chữ P thứ hai là Process – Quá trình, nhưng cũng có nội dung cho rằng nên áp dụng chữ P thứ hai là Profit – Lợi nhuận. Trên thực tế, hai chữ P này không khác nhau là bao. Sau con người bạn cần tạo ra một quy trình, quá trình lao động nhắm đến mục tiêu lớn nhất là tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Về bản chất, quy trình là những hành động mà bạn đưa ra để đội ngũ con người thực hiện một nhiệm vụ nào đó hay một chức năng cụ thể của từng phòng ban. Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp đi lên từ con số “0” dễ bị tan vỡ khi quy mô tăng nhanh. Khi còn nhỏ, những quy trình ít rối ren hơn, nhưng khi doanh nghiệp tăng trưởng sự tăng trưởng này kéo theo một loạt các vấn đề mới mà doanh nghiệp của bạn có thể chưa sẵn sàng để giải quyết, thậm chí không có kỹ năng giải quyết.

Để ngăn chặn và phòng tránh tình trạng này, hãy nhanh chóng xây dựng những quy trình cho từng phòng ban với chức năng nhiệm vụ thực thi cụ thể theo đúng cách mà doanh nghiệp bạn cần phải triển khai. Mỗi một doanh nghiệp sẽ có một quy trình vận hành khác nhau. Rất ít có sự đồng nhất trong quy trình.

Cần phải tạo ra cơ hội thành công cao nhất bằng cách lập kế hoạch thay đổi khi doanh nghiệp của bạn còn nhỏ. Các quy trình nhỏ dễ thay đổi hơn nhiều. Điều đó không có nghĩa là bạn nên hạn chế tăng trưởng. Thay vào đó, hãy sớm hoàn thiện các quy trình của bạn và xây dựng các chiến lược phát triển trước khi thời điểm đó đến.

Khi bạn có thể tăng hoặc giảm quy mô quy trình, bạn sẽ mang lại cho doanh nghiệp của mình nhiều cơ hội hơn để phản ứng với những thay đổi trên thị trường và nhiều cơ hội hơn để tạo ra lợi nhuận. Các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô đều có vô số quy trình, bao gồm cung cấp dịch vụ, tạo sản phẩm, thuyết trình bán hàng, phản hồi các trường hợp khẩn cấp và yêu cầu của khách hàng, theo dõi nguồn cung cấp…

Một quy trình bố trí tốt sẽ đảm bảo doanh nghiệp và đội nhóm của bạn có thể hoạt động hiệu quả mà không cần bạn giám sát từng chi tiết nhỏ. Ngay cả việc động não và giải quyết vấn đề cũng có lợi khi bạn dành thời gian để tạo ra một quy trình mà mọi người có thể làm theo.

Hãy nhớ kỹ, khi có quy trình và lúc doanh nghiệp bạn bắt đầu đi vào quỹ đạo ổn định, đội nhóm nhân sự bắt đầu liên kết được với nhau và khi họ có thể làm việc chung, họ làm đúng những quy trình vận hành thì cỗ máy sẽ hoạt động trơn tru hơn và lúc này doanh nghiệp có thể gia tăng lợi nhuận một cách nhanh chóng.

Nhưng phải cần nhớ rằng, để có một quy trình hiệu quả bạn phải rõ ràng từng chức năng cụ thể cho từng người, từng phòng ban. Cần phải cho từng cá nhân biết được rằng nhiệm vụ của họ cần phải làm gì để mang lại hiệu quả cao nhất.

Xây dựng một quá trình hiệu quả bao gồm xem xét cẩn thận các quy trình hoạt động của doanh nghiệp để hiểu từng bước của chuỗi, từ nhận đơn đặt hàng đến giao hàng, lắp đặt và hậu mãi bán hàng. Bạn hoàn toàn có thể khuyến khích trưởng bộ phận xây dựng một bộ quy trình cho bộ phận họ quản lý vì họ là người trực tiếp thực thi họ sẽ hiểu rõ hơn về điểm yếu của quy trình đó, công việc còn lại là bạn lắp ghép các chuỗi quy trình lại với nhau.

Product – Sản phẩm.

Bất cứ một doanh nghiệp nào tồn tại cũng đều có một sản phẩm nhất định, sản phẩm có thể là một món hàng hóa hoặc một dịch vụ mà bạn cung cấp tới cho khách hàng. Khi bạn đã có con người và bạn đã xây dựng được một quy trình vận hành có thể tạo ra lợi nhuận thì giờ là lúc chúng ta nói đến sản phẩm.

Sản phẩm ở đây là những gì doanh nghiệp của bạn cung cấp tới khách hàng. ‍ Sản phẩm có thể là một thứ hữu hình mà bạn có thể cầm trên tay. Hoặc đó có thể là một dịch vụ như việc cố vấn luật,  phần mềm, tư vấn công nghệ, huấn luyện lãnh đạo…

Lưu ý, sản phẩm của bạn luôn phải bao gồm biểu trưng (logo nhãn hiệu) hay sologan đi kèm. Đây là điểm nhấn lớn nhất giúp khách hàng nhận diện và phân biệt doanh nghiệp bạn với doanh nghiệp khác, nó là đặc điểm dễ nhận biết nhất và không được tách rời.

Ở giai đoạn xây dựng (khởi đầu), việc đầu tiên là bạn cần phải định vị sản phẩm, thị trường và nhóm khách hàng mục tiêu. Không nên bỏ qua bước này vì nó đặc biệt quan trọng,nó giúp bạn có một cái nhìn toàn cảnh về việc bạn sẽ bán nó cho ai và như thế nào, nó là nền tảng để mang lại trải nghiệm cho khách hàng, mang lại những đồng tiền lợi nhuận đầu tiên để duy trì và phát triển doanh nghiệp bước tiếp theo.

Cho dù bạn phục vụ người tiêu dùng (B2C) hay doanh nghiệp (B2B), doanh nghiệp nhỏ của bạn cần cung cấp các sản phẩm phù hợp cho khách hàng của mình. Sản phẩm của bạn phải “thiết thực, có mục đích và mang lại lợi nhuận”. ‍

Một số doanh nghiệp phát triển sản phẩm của họ mà không lắng nghe phản hồi của khách hàng. ‍ Các vấn đề liên quan đến sản phẩm bắt nguồn từ cách tiếp cận thị trường không thực tế. Đó là lý do tại sao rất nhiều công ty khởi nghiệp thất bại trong năm đầu tiên. Có một dòng sản phẩm mạnh cũng mở ra cơ hội kinh doanh mới.

Dưới đây là sáu mẹo để tận dụng bán các sản phẩm của bạn: ‍

1. Bán trên nhiều thị trường khác nhau, đó có thể thông qua các kênh nhủ GT, MT, B2B, C2C, O2O thậm chí là các sàn thương mại điện tử

2. Xem xét các cơ hội cấp phép (nếu sản phẩm là các phần mềm) có thể tạo thu nhập từ các biểu phí.

3. Luôn tìm cách hiểu về xu hướng mua sắm của khách hàng. ‍

4. Luôn tìm cách nghe được những phản hồi của khách hàng về sản phẩm, dịch cụ của công ty.

5. Tìm cách cung cấp sản phẩm “mới và cải tiến” cho khách hàng hiện tại của bạn. ‍

6. Tạo cơ hội bán chéo và bán thêm bằng cách mở rộng dòng sản phẩm của bạn.

Trên thực tế, việc vận dụng chiến lược 3P trong vận hành doanh nghiệp không phải ai cũng giống ai, mỗi một CEO đều có đường lối riêng và theo cách mà họ cho là đúng nhất để chèo lái con thuyền doanh nghiệp. Nhưng có một thực tế rằng, nếu bạn đã trải nghiệm đủ lâu thì bạn sẽ thấy rằng đây là các yếu tố bạn phải hiểu được sau đó xây dựng và áp dụng nó để dẫn dắt thương hiệu đi tới thành công.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *