Google EAT 2020 – Cách cải thiện xếp hạng nội dung website.

Thanh DươngTác giả: Thanh Dương22/11/2020
1628

Google EAT ( hay E-A-T – Viết tắt của Expertise – Authority – Trust) là ba yếu tố để Google đo lường, đánh giá chất lượng nội dung được xuất bản. Và tất nhiên nó sẽ ảnh hưởng tới SEO.

google-eat

Trước sự gia tăng của lượng nội dung khổng lồ trên môi trường internet, có những nội dung mang tính xác thực, nhưng trong đó cũng bao gồm vô số những thông tin giả, không đáng tin cậy.

Nó gây nhầm lẫn cho người dùng, tác hại hơn đã có không ít những trường hợp người dùng làm theo các hướng dẫn từ “tin giả” khiến tính mạng gặp nguy hiểm, đặc biệt là trong các lĩnh vực y học.

Chính vì vậy, từ giữa những năm 2018 Google bắt đầu tăng cường thẩm định, đánh giá nội dung thông tin thông qua việc ra mắt thuật toán Google E-A-T của mình.

Google EAT liên quan mật thiết tới việc đánh giá chất lượng nội dung, tính minh bạch, độ chính xác… trong các chủ đề nhạy cảm của cuộc sống – chủ đề YMYL.

Theo kinh nghiệm của của chính người viết bài, mỗi thuật toán của Google đều có tác động ít nhiều tới thứ hạng của nội dung, website trên SERP. Và làm thế nào để có thể tránh khỏi lệnh trừng phạt từ Google, làm cho nội dung được xếp hạng cao hơn trên công cụ tìm kiếm.

Trong nội dung bài viết, hãy cùng Biznow thảo luận về vấn đề này với thuật toán Google E-A-T.

Google EAT là gì?

Google EAT là một thuật toán mới của Google, nó là từ viết tắt của 3 cụm từ Expertise – Authority – Trust có nghĩa là Chuyên môn – Thẩm quyền – Độ tin cậy. Qua công cụ đánh giá này Google muốn khẳng định chắc chắn nguồn nội dung có uy tín trước khi xếp hạng hiển thị cho người dùng.

Liên quan: 8 thuật toán Google doanh nghiệp cần phải đề phòng khi làm SEO website.

Đặc biệt, những nội dung liên quan tới tiền bạc, sức khỏe, cuộc sống… sẽ bị “thẩm định” kỹ lưỡng hơn. Chỉ những nguồn cấp tin có độ tin cậy cao từ các website có tính thẩm quyền (hoặc người có chuyên môn được xác định) sẽ có được thứ hạng cao.

Việc này liên quan mật thiết tới một chủ đề mà Google muốn nhắc tới trước đó là : YMYL (Your Money or Your Life). Nó có nghĩa là “Tiền bạc của bạn, cuộc sống của bạn“.

EAT và YMYL

YMYL (Your Money or Your Life) là cách mà Google mô tả về các truy vấn tìm kiếm trong danh mục của mình, Google áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng cao hơn cho những từ khóa này, bởi vì thông tin sai lệch có thể gây ra hậu quả tai hại cho sức khỏe, tài chính, hạnh phúc hoặc sự an toàn của người dùng.

google-eat-biznow
Nguồn MOZ

Các chủ đề liên quan tới YMYL.

  • Tin tức: Các bài báo về các sự kiện hiện tại trong các lĩnh vực như kinh doanh, chính trị, khoa học hoặc công nghệ (tin tức thể thao và giải trí sẽ ít bị ảnh hưởng hơn).
  • Luật pháp và xã hội : Các bài viết về chủ đề xung quanh bầu cử, các tổ chức công cộng hoặc lời khuyên pháp lý về các chủ đề như phá thai, nhận con nuôi hoặc quyền của con người.
  • Tài chính : Tư vấn về các vấn đề tài chính như đầu tư, thuế, cho vay, ngân hàng hoặc bảo hiểm.
  • Sức khỏe : Thông tin về các chủ đề y tế như thuốc, bệnh tật, bệnh viện, v.v.
  • Nhóm người : Bao gồm nội dung liên quan đến vấn đề chủng tộc, nhóm dân tộc và tôn giáo, thông tin về xu hướng tình dục, giới tính…
  • Chủ đề khác: Một số chủ đề khác có tầm quan trọng đáng kể đối với cuộc sống hoặc hạnh phúc của một người cũng có thể được phân loại là YMYL. Chúng có thể bao gồm thể dục và dinh dưỡng, hoặc các trang web liên quan đến tìm kiếm việc làm, học tập

Có nghĩa rằng, những chủ đề liên quan tới tiền bạc, hoặc có ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống sẽ phải chịu sức ép lớn từ Google EAT. Duy nhất chỉ có các website bán hàng, thương mại điện tử có vẻ chịu ít ảnh hưởng hơn với YMYL.

Nhưng đừng vội mừng, vì chẳng có chủ đề nội dung nào lại không ít nhiều liên quan tới “Money or Life“. Hầu như tất cả các nội dung đều có thể liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới cuộc sống của chúng ta.

Chính vì vậy, nếu bạn nghĩ rằng bạn đang kinh doanh mặt hàng Camera hành trình xe máy, và bạn xây dựng nội dung xung quanh chủ đề đó và nó không bị ảnh hưởng bởi Google EAT thì nên xem lại.

Vậy nên, không chỉ những website có nội dung liên quan trực tiếp tới thuật toán EAT như: Sức khỏe, y tế, bán thuốc đông y, tư vấn tài chính (hoặc người xuất bản các nội dung liên quan) bị ảnh hưởng mà tất cả các thể loại website như: bán hàng, luật, cộng đồng, giới thiệu công ty… đều nằm trong “tầm ngắm của EAT”.

Thông tin thêm… thời đại tin giả, nội dung kém chất lượng lên ngôi.

Lướt qua Google tìm kiếm thông tin về vấn đề mình đang quan tâm, người dùng thường đọc được những thông tin “na ná” nhau, không có nhiều sự khác biệt giữa các website.

Khi mà SEO đã trở thành một chuẩn mực và thước đo giá trị cho một trang web thì công cuộc chạy đua để có thứ hạng cao hơn trên SERPs ngày càng trở nên khốc liệt.

Nhưng nhiều nhà quản trị web thay vì tập trung vào việc xuất bản nội dung mang lại “giá trị cho người dùng” thì lại cố gắng chuẩn hóa SEO cho công cụ tìm kiếm với hy vọng thứ hạng nội dung của mình sẽ cao hơn đối thủ trên Google.

Chính vì đó, các nội dung thường “hao hao giống nhau”, không có chuyên môn, không mang tính chất xây dựng hoặc các thông tin sai lệch gây nguy hại cho các đối tượng người dùng.

Mặt khác, khi mà hình thức kiếm tiền thông qua Google Adsense, Facebook Instant Articles (bài báo tức thời)… nở rộ thì ngày càng có nhiều hơn những nội dung chỉ nhằm hướng tới mục đích mang lại doanh thu từ quảng cáo.

Những mẩu tin tức với tiêu đề giật gân, không có thực, hoặc thông tin gây hiểu lầm, sai lệch từ những nguồn không được cấp phép lại được người dùng lan truyền một cách nhanh chóng.

Tác hại của những nội dung đó thì quá rõ, chính vì vậy, Google EAT ra đời để thẩm định lại toàn bộ tính chính xác của những nội dung đang ngày một tràn lan trên internet.

3 tiêu chí của Google EAT: Chuyên môn – Thẩm quyền – Độ tin cậy.

Google EAT được người dùng biết đến lần đầu tiên vào khoảng tháng 7 năm 2018, ngay sau đó một tuần một bản cập nhật lớn được đưa ra với việc “Người đánh giá chất lượng EAT giờ đây không chỉ đánh giá chất lượng nội dung của website, mà họ còn đánh EAT cho cả người viết nội dung đó“.

Có nghĩa là, không chỉ là những nội dung thuộc các website có thẩm quyền như: tin tức (được cơ quan thẩm quyền cấp phép), các website thuộc cơ quan y tế (như của các bệnh viện)… bị ràng buộc bởi Google EAT mà ngay cả tác giả của nội dung đó cũng phải qua thẩm định bởi EAT.

Sự thực đã rõ ràng, những thông tin từ những tác giả của nội dung cũng sẽ là một tiêu chí đánh giá của EAT. Một bài báo được xuất bản bởi một website về sức khỏe và được viết bởi một giáo sư sẽ có tính chuyên môn, thẩm quyền cao hơn so với việc được một biên tập viên không có chuyên môn xây dựng.

Tính chuyên môn – Expertise

Bằng cách này hay cách khác, bạn nên công khai cho người dùng và Google biết ai là người đang xây dựng nội dung này.

Đồng nghĩa rằng việc công khi danh tính, hồ sơ cá nhân của tác giả trở nên quan trọng hơn, giờ đây với mỗi bài viết việc xuất hiện hộp tác giả là cần thiết.

Quan trọng hơn nữa nếu hồ sơ tác giả trên website được kết nối với hồ sơ của họ trên mạng xã hội sẽ là một phương pháp giúp Google xác định chính xác đó là ai, tính chuyên môn ra sao.

Thông qua nhiều thuật toán, Google sẽ đánh giá được tính chuyên môn của nội dung. Nhưng quan trọng nhất đó là “tác giả của nội dung” sẽ được thẩm định. Việc một giáo sư y học đưa ra lời khuyên về sức khỏe sẽ có nhiều giá trị hơn so với một website bán thuốc đông y xây dựng những nội dung cùng chủ đề đó.

Giờ đây, chúng ta nên xây dựng EAT của cả tác giả và cả EAT của website. Bằng cách thêm các hộp tác giả sau nội dung, liên kết nó đến các nguồn cấp dữ liệu khác như mạng xã hội, tin tức… sẽ giúp Google xác minh được danh tính tác giả, tăng tính chuyên môn cho nội dung.

Thẩm quyền – Authority

Với việc xác định được tính chuyên môn của nguồn tin chưa phải là đã đủ chất lượng và tiêu chí nâng hạng của nội dung, nếu thông tin được xuất bản bởi những website có thẩm quyền thì nội dung đó mới đáng tin cậy,

Hoặc nếu bạn là tác giả của một blog cá nhân thì việc được người dùng (hoặc nguồn cấp tin đáng tin cậy, các chuyên gia trong nghành) trích dẫn nội dung sẽ là điểm đánh giá chất lượng.

Bằng nhiều cách, Google đều có thể tìm kiếm được thông tin, các liên kết trả về và dựa vào đó để đánh giá, nhận định về tính chuyên môn, thẩm quyền của nội dung bạn xây dựng.

Dưới đây là một trong những cách như vậy để Google chấm điểm cho thẩm quyền nội dung.

  • Bạn có phải là chuyên gia trong ngành đó không? Có những nội dung nào đã được xuất bản, bằng cấp hoặc các chuyên gia trong ngành đánh giá…
  • Nội dung được người dùng chia sẻ rộng rãi nhiều hơn trên mạng xã hội và các trang web liên quan khác.
  • Được các trang web có chuyên môn, có thẩm quyền trong ngành trích dẫn nguồn, có backlink tự nhiên trỏ về.

Và còn nhiều cách thức khác giúp Google xác định đánh giá thẩm quyền của nội dung.

Độ tin cậy – Trust

Chuyên môn và thẩm quyền là hai yếu tố đầu tiên được Google nhắc tới, nhưng yếu tố thứ 3 đó là độ tin cậy của website, thương hiệu cũng là thang điểm đánh giá chất lượng.

Các yếu tố có thể ảnh hưởng tới độ tin cậy có thể kể đến như:

  • Các chủ đề chính của website gắn kết thế nào tới thương hiệu của bạn.
  • Các thông tin cần thiết trên website như: chính sách, địa điểm, thông tin liên hệ… có được hiển thị minh bạch hay không?
  • Đâu là đơn vị chủ quản của trang web.
  • Tên miền có được bảo mật, website có được tối ưu hay không?
  • Website có được một cơ quan có thẩm quyền cấp phép, đánh giá hay không.

Nhìn chung, thông tin về trang càng minh bạch, có được sự đánh giá của cơ quan thẩm quyền nhà nước, tối ưu hóa SEO càng nhiều cơ hội tăng điểm với tiêu chí của Google Trust.

Một số cách cải thiện xếp hạng với Google EAT.

Google thường khá kín tiếng trong việc đưa ra thông tin chính xác về thuật toán và các bản cập nhật cốt lõi của mình.

Mọi số liệu đều được các chuyên gia thống kê và đưa ra các thông tin dự đoán, nhưng có một sự thật là các thuật toán đều hướng tới “trải nghiệm người dùng”. Google luôn mong muốn người dùng có được những trải nghiệm tốt nhất với những thông tin hữu ích nhất.

Trong tuyên bố của mình tại trang xếp hạng chất lượng tìm kiếm Google cũng đã tuyên bố “chúng tôi bán quảng cáo, chứ không bán kết quả tìm kiếm“.

Cho nên, việc hiển thị các kết quả tìm kiếm đều được diễn ra một cách tự nhiên (nếu đó không phải là kết quả tìm kiếm có trả tiền) thông qua các thuật toán của Google. Và với mỗi lần cập nhật các thuật toán mới, nó đều ít nhiều ảnh hưởng tới kết quả tìm kiếm đối với các website khác nhau.

Tất nhiên, như mọi lần các chuyên gia của Google đều phủ nhận các thông tin,ví dụ như “EAT không phải là yếu tố xếp hạng”.

Nhưng bằng cách này hay cách khác nó đều ảnh hưởng tới thứ hạng của website, và nếu như vậy thì “nó là gì nếu không phải là yếu tố xếp hạng?”

Và để cải thiện được thứ hạng với Google EAT hãy chú ý tới một vài gạch đầu dòng quan trọng như sau.

Chất lượng nội dung.

Nội dung là yếu tố xếp hạng đầu tiên được nói đến, bằng việc xây dựng nội dung dài có chất lượng cao, đáng tin cậy sẽ là một tín hiệu xếp hạng đầu tiên để có thứ hạng cao hơn.

Nội dung cũng nên cập nhật một cách thường xuyên, chủ đề nhất quán với hoạt động của website.

Thương hiệu.

Google dường như có vẻ đánh giá cao các website xây dựng thương hiệu, việc này khá dễ hiểu. Một doanh nghiệp xây dựng thương hiệu riêng luôn có tính ổn định, chất lượng và bền vững hơn các thương hiệu khác.

Liên quan: Tên miền có chứa từ khóa có còn quan trọng trong SEO?

Những nội dung có xuất xứ từ một website viết về chủ đề xoay quanh thương hiệu đó luôn có vẻ được ưu ái hiển thị hơn.

Chủ đề nhất quán.

Chủ đề phải nhất quán, xoay xung quanh lĩnh vực hoạt động, kinh doanh của doanh nghiệp, việc này sẽ mang lại giá trị nhiều hơn cho tính chuyên môn của website.

Ví dụ một website bán “đèn led ô tô” lại đi xây dựng những nội dung xung quanh chủ đề sức khỏe sẽ khiến người dùng thấy khó hiểu, không mang lại nhiều niềm tin cho độc giả.

Thông tin minh bạch.

Mọi thông tin phải được minh bạch và đươc hiển thị công khai như: các chính sách, địa chỉ doanh nghiệp, số điện thoại liên hệ, người chịu trách nhiệm nội dung…

Được đánh giá bởi cơ quan có thẩm quyền hoặc các chuyên gia trong nghành.

Nếu website được cấp phép bởi một cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì uy tín và độ tin cậy sẽ cao hơn các website còn lại.

Hoặc tác giả có nội dung được các chuyên gia trong ngành đáng giá cao, thường trích dẫn bài viết hoặc nhắc đến sẽ tốt hơn rất nhiều, có thể được chấm điểm cao hơn với Google EAT.

Hiển thị công khai tác giả nội dung.

Việc hiển thị công khai tác giả của nội dung sẽ là bằng chứng minh chứng cho thẩm quyền, độ tin cậy của nội dung.

Liên quan: Chỉnh sửa, thêm hộp tác giả (Author Box) vào WordPress.

Bằng cách thêm hộp tác giả vào mỗi bài viết, nội dung sẽ được đánh giá cao hơn bởi người dùng, nó là một tín hiệu giúp Google EAT đánh giá mức độ tin cậy đối với nguồn cấp tin.

Nguồn tham khảo:

  • moz.com/blog/google-e-a-t
  • blog.searchmetrics.com/us/google-e-a-t-ranking-factor

Nhật Minh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *