Tiểu xe điện Wuling liệu có cửa tồn tại trên đất Việt?

Thanh DươngTác giả: Thanh Dương23/05/2024
922

Có dịp sang Trung Quốc dạo chơi tại một số thành phố lớn như Bạch Vân, Quảng Châu, Thâm Quyến, cố gắng tìm kiếm bóng dáng của một chiếc Wuling. Nhưng quả thực nó được nhìn thấy chưa quá một bàn tay, và tôi tự hỏi điều gỉ đang diễn ra….

tieu-xe-dien-wuling-lieu-co-cua-ton-tai-tren-dat-viet-2

Mặc dù báo chí tại Việt Nam có dẫn nguồn các thông tin đề cập tới các nội dung như “Wuling là mẫu xe bán chạy nhất hiện nay”. “Doanh số bán của Wuling đạt 1,3 triệu xe” nhưng ngay tại mảnh đất chôn rau cắt rốn nó lại gần như ít xuất hiện. Vậy sản lượng bán hàng kia đang ở đâu.

Tại Việt Nam, doanh số bán thực tế cũng không được thông tin cụ thể. Nhưng tôi hỏi bạn, ra đường hiện nay bạn nhìn thấy bao nhiêu chiếc Wuling? Vậy liệu rằng thương hiệu này có chinh phục được khách hàng Việt, hay lại nhạt mờ dần như các thương hiệu xe khác của Trung Quốc đã đổ bộ vào đất Việt trước đó.

Đứng trên góc độ người làm tiếp thị, tôi cho rằng “cánh cửa khá hẹp để cho một chiếc xe đẹp, nhỏ bé như Wuling lách qua”. Dù sao đây cũng chỉ là một nhận định mang suy nghĩ từ cá nhân. Nhưng tôi suy nghĩ như vậy cũng dựa trên những yếu tố đánh giá về thị trường với việc suy nghĩ về hành vi, sở thích và các yếu tố tiêu dùng của nhóm đối tượng khách hàng đích.

Phân khúc khách hàng chính được nhắm tới của Wuling có thể được thấy qua…

1. Khách hàng trẻ tuổi, tập khách hàng mua sắm bốc đồng và có khả năng tài chính.

Chỉ cần nhìn qua hầu như chúng ta đều biết đích ngắm trọng tâm của Wuling sẽ tập trung vào giới trẻ, đơn giản vì hiện nay thu nhập của tầng lớp khách hàng trẻ của Việt Nam đang dần được nâng cao. Với số tiền ban đầu chỉ khoảng gần 300 triệu (giá lăn bánh bản cao nhất của wuling) đây là mức giá khá hấp dẫn để sở hữu một chiếc xe có gắn chữ ô tô trên đó.

Ngay cả khi không đủ tiền mua trả thẳng thì vẫn có thêm rất nhiều kênh hỗ trợ mua sắm “by now pay late” sẵn sàng hỗ trợ cung ứng nguồn tiền giúp người tiêu dùng có thể sở hữu chiếc xe mình mong muốn.

2. Tập khách hàng thứ hai đó là những “quý bà, quý ông” có điều kiện kinh tế hoặc những khách hàng ở đô thị với không gian chật hẹp.

Nhóm khách hàng này thường xuyên di chuyển ở quãng đường ngắn với một số mục đích cơ bản như đi chợ, cafe, đưa đón cháu đi học. Họ có nhu cầu mua sắm chiếc xe này để đi lại với quãng đường ngắn để giải quyết một số công việc nhất định mà không tốn nhiều chi phí năng lượng, tiết kiệm khu vực đỗ xe. Mưa không bám mặt, nắng không tới đầu.

Nhưng nếu nhắm nhóm khách hàng là nam giới, trung niên (tập khách hàng sẽ có khả năng chi trả tài chính lớn nhất) thì thực sự chiến lược này chưa hiệu quả. Bởi…

Nó gắn mác “tàu”

Có một thực tế cho thấy rằng, ít nhất mỗi người trong chúng ta đều sở hữu và sử dụng hàng ngày ít nhất 2 món đồ gì đó chính hãng tàu. Nhưng lại chê bai “đồ tàu”. Không ngoa khi nói rằng nếu muốn đánh vào khách hàng Việt Nam thì tốt nhất nó phải gắn thêm một cụm từ “madein Japan” hay công nghệ đến từ Đức… mặc dù nó là đồ tàu.

tieu-xe-dien-wuling-lieu-co-cua-ton-tai-tren-dat-viet

Và cho dù đó là hàng nhập khẩu của Nhật đi chăng nữa, đó vẫn có thể là đồ tàu. Tâm lý sính ngoại đặc biệt phải là “ngoại của mình phải có tầm cỡ” đã ăn sâu vào tiềm thức tiêu dùng của người Việt, và đôi khi họ lấy đó như một tiêu chí so kè đẳng cấp.

Nhưng như bạn thấy đó, ngay từ cái tên gọi “Wuling Hongguang” nó đã mang đậm kí tự Pinyin. Và điều này khiến người dùng không thích. Nó không sang mồm khi xướng tên và đậm chất “hàng tàu” mặc dù giá rẻ.

Mục đích sử dụng của những chiếc Wuling bị hạn chế.

Có lẽ công năng sử dụng của chiếc Wuling chỉ loanh quanh với quãng đường ngắn cho một vài mục đích như uống nước cùng bạn bè, đi lại mua đồ cho các bà nội trợ hay đưa đón cháu đi học.

Với công năng sử dụng như vậy cho đến hiện tại nó là quá ít. Người dùng luôn muốn rằng mua một món đồ có thể sử dụng được nhiều mục đích hơn. Một chiếc xe ô tô đúng nghĩa phải giải quyết được nhiều vấn đề khi di chuyển như về quê, chở đồ hay phục vụ cho công việc.

Nếu xét cùng một giá tiền thì thay vì việc mua một chiếc Wuling khách hàng có thể tìm đến một chiếc ô tô cũ hạng A như Fadil, Kia Moning, thậm chí thêm thắt một một chút là có thể mua một chiếc xe hạng B, nó phục vụ được nhiều mục tiêu cho cả công việc lẫn cá nhân và chuẩn xác đó là một chiếc ô tô.

Tôi đã từng hỏi nhiều bạn bè trước khi viết nội dung này, và câu trả lời của họ là “mua xe đó, thà mua SH mà chạy”.

Khả năng cung cấp năng lưu trữ năng lượng.

Một vấn đề trở thành rào cản lớn nhất hiện nay của xe điện đó là ở khả năng sạc và lưu trữ năng lượng.

Theo công bố thì Wuling, chỉ cần bỏ ra khoảng 300.000đ có thể di chuyển khoảng 1000km, nếu chia ra theo tỉ lệ giữa giá và quãng đường thì mức tiêu hao khoảng 1,2 lít xăng/ 100km. Đây là mức tiêu thụ rất đáng ngạc nhiên, nó thậm chí còn rẻ hơn so với việc đổ xăng cho một chiếc xe máy. Nhưng đó mới chỉ là công bố, thực tế cụ thể thì phải có thời gian đo lường chính xác qua nhiều người sử dụng hơn.

Không những vậy, địa điểm sạc điện cũng là vấn đề băn khoăn lớn nhất của người dùng. Tất cả mẫu xe điện hiện nay muốn gia nhập thị trường Việt Nam phải đảm bảo một vấn đề rất quan trọng đó là địa điểm sạc pin và phải sạc nhanh.

Người dùng vẫn rất e ngại trong vấn đề an toàn khi sạc cho xe điện. Hiện nay muốn sạc pin cho chiếc Wuling hầu hết khách hàng đều phải tự sạc ở nhà với nguồn điện dân dụng. Sạc một chiếc ô tô điện sẽ khác biệt với một chiếc xe đạp điện bao gồm cả thời gian lẫn sự an toàn.

Nhưng để xây dựng được hệ thống trạm sạc cho người dùng thì gần như với Wuling đó là điều không thể. Hiện nay đó chỉ có thể là Vinfast, họ đã xây chuồng trước khi nuôi gà và họ chưa có ý định chia sẻ hệ thống cấp nguồn cho bất cứ nhãn xe nào khác.

Sự cạnh tranh trên chính mảnh đất Việt Nam.

Một đối thủ đáng gờm của Wuling trong thời gian tới đó chính là những mẫu BEV VF3 của Vinfast. Với giá thành chưa được công bố chính thức nhưng được đồn đoán rằng nó khá rẻ và tập trung vào nhóm khách hàng trong hệ thống Vin.

Với những thuận lợi như tập khách hàng sẵn có, hệ thống trạm sạc rộng khắp, nhiều chính sách hỗ trợ ưu đãi mua sắm mạnh tay và mẫu mã đẹp mắt thì đây mới là đối thủ của nặng kí nhất của Wuling.

Với chiến lược tiếp thị khôn ngoan, sử dụng nền tảng taxi để khuếch trương, tăng cường nhận diện thương hiệu tới tâm trí khách hàng., khẳng định sự bền bỉ của sản phẩm, tôi tin rằng khách hàng đã rất tin tưởng vào xe điện của Vinfast. Có thể, Wuling sẽ khó còn cơ hội cạnh tranh tại Việt Nam.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *