Ngân hàng nhà nước Myanmar đang lên kế hoạch thực hiện một số bước đi mang tính quyết định đối với vấn đề thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19. Nhưng vẫn còn một số trở ngại cần vượt qua….
Năm 2011, tại Myanmar ước tính có khoảng 74% công dân không có tài khoản ngân hàng, các ứng công nghệ tài chính ( ví dụ fintech) là khái niệm mới lạ đối với đại đa số người dân. Nhận thấy tiềm năng của công nghệ thông tin và truyền thông, đầu năm 2012 hãng viễn thông nhà nước và dịch vụ bưu chính của Myanmar công bố kế hoạch tư nhân hóa ngành viễn thông địa phương.
Liên quan: Thủy thủ Myanmar được phát hiện mắc Covid-19 ở Việt Nam
Với mục tiêu nâng cấp công nghệ thông tin nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân nói riêng và tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp và xã hội nói chung, Myanmar đã có những thay đổi chóng mặt.
Chỉ mất 3 năm sau khi tư nhân hóa ngành viễn thông, đất nước này được mệnh danh là thị trường di động phát triển nhanh thứ ba trên thế giới, chỉ sau Ấn Độ và Trung Quốc. Hiện nay, Myanmar tự hào với tỷ lệ số người dùng di động lên tới 126%, tỷ lệ dân số sử dụng internet tăng vọt lên 41% trong năm qua.
Giấc mơ một xã hội không tiền mặt.
Tháng 9 năm 2018, khảo sát trên 504 người tại khắp Yangon, Pathein, Mandalay và Magway thống kê cho thấy rằng có tới 60% người tiêu dùng sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán tại các siêu thị.
Tuy nhiên, nhận thức về các phương thức thanh toán không sử dụng tiền mặt khác vẫn còn thấp, chỉ 21% trong số những người được khảo sát nói rằng họ biết về thẻ không tiếp xúc, 10% biết về thanh toán không tiếp xúc trên di động và 9% biết về thanh toán bằng mã QR.
Bằng cách đổi mới công nghệ thanh toán, Myanmar hy vọng ví điện tử có thể trở thành công cụ giúp người dân không có tài khoản ngân hàng ở Myanmar có thể thỏa mái mua sắm mà không cần dùng tới tiền mặt.
Điều này mang đến cho người dùng quyền truy cập và tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ tài chính, nó giúp các công ty cung cấp dịch vụ thanh toán kỹ thuật số có cơ hội phát triển tốt hơn khi tận dụng những lợi thế công nghệ mới nhất hiện nay.
Do đó, chính phủ đã tích cực khuyến khích người dân áp dụng các phương thức thanh toán kỹ thuật số. Đầu năm ngoái, ngân hàng trung ương Myanmar thông báo rằng họ có kế hoạch triển khai hệ thống thanh toán bằng mã QR quốc gia trên khắp đất nước.
Một con đường khó khăn phía trước
Tuy các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đã và đang dần được triển khai và đưa vào áp dụng tại Myanmar, tuy nhiên giới chuyên gia cho rằng đây chỉ là bề nổi của tảng băng mà thôi. Hiện vẫn còn rất nhiều vấn đề cần được triển khai trong khắp cả nước.
Đối với một thị trường mới nổi như Myanmar, một trong những thách thức lớn nhất là thiếu cơ sở hạ tầng hiện có để một xã hội không tiền mặt hoạt động.
Sự khác biệt về cơ sở hạ tầng giữa các thành phố lớn và khu vực nông thôn khiến cho việc tiếp cận công nghệ của người dân không giống nhau, gây khó khăn cho việc đồng bộ hóa hệ thống.
Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy chính phủ, các cơ quan địa phương, các tổ chức và cá nhân tận dụng các dịch vụ thanh toán kỹ thuật số có sẵn ở Myanmar.
Điều này mang lại lợi ích kép là giúp giảm sự lây lan của Covid-19 và tạo niềm tin vào các nhà cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, vẫn còn một chặng đường dài trước khi Myanmar trở thành một xã hội không tiền mặt.
Việc giảm sử dụng tiền mặt có lợi cho cả Chính phủ và người dân đồng thời cũng giúp phát triển các doanh nghiệp.
Thế nhưng, để có thể thay đổi được thói quen mua sắm của người dân sẽ cần sự hỗ trợ rất lớn từ phía chính phủ trong vấn đề tăng cường độ bao phủ của mạng lưới internet và cơ sở hạ tầng liên quan.
Phạm Trang.