Đại dịch Covid -19 có ảnh hưởng mạnh mẽ tới mọi mặt của các ngành kinh tế, trong đó có cả bất động sản. Tuy nhiên, cùng với những biện pháp phòng chống dịch thành công, thị trường bất động sản cũng đang có những dấu hiệu khởi sắc, phục hồi tích cực.
Thị trường trầm lắng
Thực tế, hoạt động của thị trường bất động sản đã có sự sụt giảm từ năm 2019 do tín dụng được siết chặt. Hết quý I đầu quý II-2020, sau khi dịch Covid-19 xảy ra, thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng. Số liệu thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, lượng tiêu thụ nhà ở thương mại chỉ đạt khoảng 14%, thấp nhất trong vòng 4 năm qua và chỉ bằng khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2019. Lượng giao dịch thành công giảm 36,6% so với quý IV-2019.
Thừa nhận bản thân các doanh nghiệp đã có nhiều cố gắng trong hoạt động và mong muốn của đa số doanh nghiệp là được hỗ trợ tháo gỡ về cơ chế chứ không phải hỗ trợ về vốn, Cục trưởng Cục Quản lý Bộ Xây dựng Nguyễn Trọng Ninh cho biết, Bộ Xây dựng đã đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường . Trong đó, giải pháp cấp bách là thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.
“Hiện, Bộ Xây dựng đang được giao nghiên cứu, sửa đổi một số quy định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội nhằm tháo gỡ vướng mắc về nguồn vốn, quỹ đất, giảm bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, phát triển loại hình nhà ở này”, ông Nguyễn Trọng Ninh cho biết.
Bên cạnh đó Bộ Xây dựng cũng đang hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về giải pháp khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp nhằm khắc phục tình trạng lệch pha cung – cầu. Theo đó, Nhà nước sẽ điều tiết bằng cách tăng ưu đãi cho những doanh nghiệp tham gia vào phân khúc căn hộ thương mại giá thấp (diện tích dưới 75m2, giá dưới 20 triệu đồng/m2).
Dấu hiệu hồi phục
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, Nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, thị trường bất động sản rơi vào trạng thái “hôn mê” mà khả năng phục hồi nhanh hay chậm tùy thuộc vào sự phục hồi của nền kinh tế và hành động chính sách của Chính phủ.
Chuyên gia này cho rằng, các gói kích thích kinh tế hiện tại của Chính phủ tác động tích cực đến thị trường nói chung, kể cả các chủ trương về phát triển cơ sở hạ tầng, các khu vực kinh tế trọng điểm, các khu công nghiệp và các biện pháp cải cách thủ tục hành chính, sửa đổi luật pháp. Ngoài ra cũng cần có biện pháp riêng cho thị trường bất động sản.
“Một số phân khúc cơ bản như bất động sản công nghiệp, nhà ở giá rẻ, đất nền và tiếp đó là chung cư cao cấp, shop house có thể phục hồi sớm ngay sau khi kinh tế phục hồi. Các phân khúc khác như văn phòng, nghỉ dưỡng có thể phục hồi chậm hơn” – TS Lê Xuân Nghĩa nhận định.
Đồng quan điểm về tương lai của thị trường bất động sản, ông Phạm Thanh Hưng – Phó Chủ tịch HĐQT CENGROUP cho biết, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ có những thay đổi cục bộ ở một số phân khúc. Tuy nhiên, Covid không hẳn là nguyên nhân duy nhất tác động tới giao dịch bất động sản, mà những xu hướng dịch chuyển này đã xuất hiện từ năm 2018, và trở nên rõ nét từ nửa cuối 2019.
“Một trong những tác động của khủng hoảng do Covid đó là lượng cung tiền mặt tăng vọt ở nhiều cường quốc, khiến bất động sản ở các nước phát triển sẽ tăng theo, và điều này sau vài năm, sẽ tác động mang tính hiệu ứng đối với thị trường Việt Nam. Vì vậy, tôi dự báo năm 2023-2024 sẽ thiết lập một đỉnh cao mới của thị trường bất động sản Việt Nam” – Phó Chủ tịch HĐQT CENGROUP nhấn mạnh.