Kênh Youtube Tam Mao có thể bị sập do vướng bản quyền bảo hộ thương hiệu, câu chuyện cũ nhưng tình huống vẫn mới với nhiều chủ doanh nghiệp

Thanh DươngTác giả: Thanh Dương05/06/2021
1599
Kenh Youtube Tam Mao Co The Bi Sap Do Vuong Ban Quyen Bao Ho Thuong Hieu
ads đầu bài

Câu chuyện bản quyền và bảo hộ thương hiệu có lẽ chẳng xa lạ gì đối với bất cứ ai đang làm kinh doanh, nhưng đôi khi chỉ vì lơ là hoặc nghĩ đơn giản quá khiến không ít ông chủ doanh nghiệp nhận trái đắng. Câu chuyện từ kênh Youtube Tam Mao là một minh chứng.

ads giữa bài
Kenh Youtube Tam Mao Co The Bi Sap Do Vuong Ban Quyen Bao Ho Thuong Hieu
Ảnh chụp màn hình.

Hôm nay tôi đọc được thông tin rằng “kênh youtube Tam Mao có khả năng bị sập do vi phạm bản quyền thương hiệu”.

Câu chuyện có thể hiểu đơn giản như sau… Hai anh em nhà Tam Mao xây dựng một kênh Youtube. Sau thời gian phát triển đến hiện tại kênh đã đạt được lượng Sub khủng lên tới hơn 3 triệu.

Với hơn 3 triệu lượt đăng ký, có thể nói rằng đây là một tài khoản mang lại doanh thu rất khủng từ Google Adsense.

Liên quan: Hiểu rõ hơn về Google ADX và AdSense, mô hình nào sẽ phù hợp cho doanh nghiệp bạn khi trở thành đối tác quảng cáo của Google.

Cho đến một ngày đẹp trời bỗng dưng có một ai đó nhận thấy tiềm năng của cái tên đã trở thành thương hiệu đó là “Tam Mao”. Ngay lập tức người này đã thực hiện một “bước đi chiến lược” đó là nộp đơn đăng kí bảo hộ thương hiệu với cái tên này.

Không rõ đơn đã được cục sở hữu trí tuệ chấp thuận hay chưa, tuy nhiên sau khi nộp đơn “anh hùng núp” ngay lập tức liên hệ với anh em nhà Tam Mao hiện đang sở hữu kênh Youtube Ẩm thực Tam Mao yêu cầu gỡ nội dung vì vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ của mình.

Lúc này anh em nhà Tam Mao bỗng dưng rơi vào thế khó…

Muốn giữ kênh thì phải chung chi.

Có lẽ đây là mục đích lớn nhất của anh hùng núp cho đến thời điểm hiện tại. Lúc này Tam Mao mới toá hoả vì rơi vào thế khó.

Nếu đồng ý chung chi thì coi như “nuôi báo cô thêm một kẻ ăn hại”. Và kẻ này không và chắc chắn sẽ không rời đi khi chưa được Tam Mao làm thoả mãn.

Nhưng chung chi rồi thì vẫn tiềm ẩn với rất nhiều rủi ro. Nếu anh hùng núp vui thì anh cười hả hê rượu chè phê pha với huynh đệ nhà Tam Mao. Nhưng nếu anh buồn anh chán rất có thể anh lại tiếp tục với những yêu sách khác, miễn sao nó làm anh vui.

Đổi tên kênh, không chung chi.

Với một kênh có tới hàng triệu lượt đăng ký thì đây là một thương hiệu rất lớn có sức ảnh hưởng tới khán giả và người dùng.

Anh em Tam Mao vẫn phải giữ tên này, vì đó là cái tên để mọi người tìm đến. Đó là một cái tên thương hiệu hái ra tiền.

Nếu chấp nhận, anh em nhà Tam Mao sẽ đổi một cái tên khác ví dụ như “TMTV, Tama Tivi,  Bọn tao là TM…”.

Tuy lượt đăng kí vẫn có thể được giữ nguyên, nhưng vì cái tên Tam Mao đã quá nổi tiếng nên ban đầu người xem mới sẽ khó tìm kiếm và xem, đăng kí kênh. Chắc chắn rằng lượt tương tác sẽ giảm trong một thời gian. Ảnh hưởng đến doanh thu của hai anh em nhà này.

Chưa kể, anh hùng núp vẫn có thể sử dụng tên này để tạo một kênh Youtube mới, và người dùng có thể cũng sẽ tương tác với kênh của anh hùng núp.

Bỗng dưng anh em nhà Tam Mao để sẵn mồi cho cọp nó xơi, đối với các doanh nghiệp thì trong trường hợp này họ đã đi khai phá thị trường cho một doanh nghiệp khác. Dọn sẵn một mâm cỗ cho đối thủ xơi.

Nhưng anh em Tam Mao cũng đừng vội lo lắng.

Bởi vì nếu đơn mới được đăng kí thì chưa chắc anh hùng núp đã được chấp thuận đơn đăng kí. Việc đăng kí một nhãn hiệu không hề đơn giản.

Đầu tiên anh hùng núp phải nộp đơn tại cục sở hữu trí tuệ tại Nguyễn Trãi.

Sau khoảng một tháng sẽ có công văn trả lời việc đơn đăng kí bảo hộ có được chấp thuận hay không, nếu tên đăng kí này “na ná”, trung khớp hoặc tương tự với một nhãn khác đã được bảo hộ hoặc đăng kí trước, đơn rất có thể bị từ chối.

Sau hai tháng, nếu đơn không trùng lặp và đã được chấp thuận thì cục sở hữu trí tuệ bắt đầu công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp. Công báo này được ấn hành hàng tháng. Bất cứ ai có nhu cầu có thể yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ cung cấp bản in Công báo và phải trả tiền mua Công báo.

Bởi vì sự rắc rối, rườm rà trong thủ tục hành chính vậy nên mới sinh ra mấy đội luật sư, chuyên đi làm dịch vụ đăng kí bảo hộ cho các doanh nghiệp hoặc cá nhân.

Bởi họ có “mối quan hệ mật thiết” với đội ngũ nhân viên của cục, họ có thể kiểm tra trước thông tin về nhãn hiệu đang có nhu cầu đăng kí xem có trùng lặp hoặc đã được đăng kí hay chưa. Chi phí chỉ với khoảng 500 ngàn cho một lần tra cứu.

Sau khi đơn đăng kí được công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp, nếu đơn được chấp nhận thì bắt đầu bước vào thẩm tra hồ sơ. Nhanh thì phải 18 tháng sau anh hùng núp mới cầm được văn bằng bảo hộ. Lúc này thương hiệu đã là của anh. Anh có thể cấm, kiện bất cứ ai sử dụng nhãn hiệu này để làm bất cứ điều gì.

Vậy nên trong thời điểm này nếu Tam Mao huynh đệ bị kiện vì vi phạm bản quyền là điều không thể. Vì cái tên này, hình ảnh logo… chưa thuộc về bất cứ ai.

Tại sao không thể tra cứu trực tiếp trên website của cục sở hữu trí tuệ mà phải nhờ luật sư?

Nếu bạn đang đọc nội dung này, hãy thử tra cứu bất cứ một cái tên nào hoặc thương hiệu nào đó mà bạn nghĩ ra trên trang chủ của cục sở hữu trí tuệ có địa chỉ website là http://www.noip.gov.vn/nhan-hieu.

Bạn sẽ thấy rất bất ngờ rằng, hầu hết quy trình kiểm tra như đánh đố người dùng. Và thông tin trả về chẳng có nhiều ý nghĩa đối với bạn.

Không rõ do năng lực của đơn vị thiết kế web cho cục yếu kém hay còn một lý do nào khác khiến quá trình tìm kiếm thông tin của người dùng thường bị “tắc nghẽn”, khó tra soát thông tin về nhãn hiệu.

Và nếu muốn nhanh, chính xác thì hãy làm việc với các văn phòng luật sư chuyên trách trong lĩnh vực này. Họ sẽ có câu trả lời nhanh nhất cho bạn.

Còn nếu bạn muốn tự làm mọi việc và không sẵn lòng chi trả chi phí thì bạn sẽ mất rất nhiều thời gian “xoay vòng trong mớ bòng bong” về thủ tục và tốn rất nhiều thời gian điều chỉnh, sửa đổi hồ sơ trước khi nó đúng và đầy đủ theo yêu cầu.

Cũng xin thú thực rằng, ngay cả tôi đã từng “thử một lần chơi lớn“, tự tay làm hồ sơ và thủ tục để xem “nó có những gì“. Quả thực bạn sẽ nếm trải ít nhất một lần trước hàng loạt những nội dung cần phải bổ xung cho đúng mà chẳng có ai hướng dẫn cho đến việc mất cả việc cho những lần lên nộp và được yêu cầu bổ xung sửa đổi hồ sơ từ các chuyên viên.

Nhưng cho dù hồ sơ bạn đã đầy đủ, chính xác, nộp xong một triệu tiền lệ phí đăng kí cho một nhóm ngành với 6 tiêu mục miễn phí (trong đó có một khoản nhỏ tiền tra cứu trùng lặp nhãn hiệu) thì rất có thể đơn đề nghị bảo hộ thương hiệu của bạn sẽ vẫn bị trả lại, vừa mất tiền phí tra cứu vừa mất thời gian. Và bạn chẳng biết phải làm gì với các bước tiếp theo.

Câu chuyện cũ nhưng vẫn là bài học mới với nhiều người.

Việc xây dựng một cái tên, một hình ảnh của nhãn hiệu có sức ảnh hưởng tới khách hàng là quá trình khó khăn, mất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc của doanh nghiệp.

Với những chủ doanh nghiệp có tầm nhìn, thường họ sẽ tìm kiếm một cái tên có ý nghĩa nhất đối với sản phẩm, dịch vụ hoặc doanh nghiệp của mình và ngay lập tức đăng kí bảo hộ nhãn hiệu đó.

Bởi họ biết, thương hiệu chính là con át chủ bài cho doanh nghiệp, tồn tại hay không nó nằm ở cái tên được người dùng biết đến, giá trị của doanh nghiệp nằm ở thương hiệu chứ không phải tên doanh nghiệp.

Nhưng vẫn có nhiều người kinh doanh lão làng lại bỏ ngơ yếu tố này. Họ thường xây dựng tên tuổi trước sau đó mới để ý tới việc đăng kí bảo hộ cho nó. Có thể nói đây là một bước đi sai lầm.

Và trong một lúc nào đó, khi doanh nghiệp bước đi một chặng đường dài bỗng định hình lại thì thương hiệu đã được một doanh nghiệp hoặc cá nhân nào đó đăng kí trước.

Tình thế lúc này không khác gì việc dọn sẵn một mâm cỗ cho đối thủ. Mồ hôi công sức bao năm “chinh chiến” bỗng đổ sông đổ bể, đi làm thị trường cho chính đối thủ tương lai của mình.

Từ chính câu chuyện của kênh Tam Mao bỗng dưng khiến nhiều người giật thọt, câu chuyện thì vẫn cũ nhưng bài học thì luôn mới đối với nhiều người. Thay vì mất bò mới lo làm chuồng, hãy thận trọng với định hướng của xây dựng thương hiệu của mình.

ads cuối bài

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *