Bật mí bí mật “không vay vẫn bị ngân hàng đòi nợ”.

Thanh DươngTác giả: Thanh Dương23/03/2021
1324
bat-mi-bi-mat-khong-vay-van-bi-ngan-hang-doi-no
ads đầu bài

Vào một ngày đẹp trời bỗng nhiên bạn nhận được một cuộc gọi từ phía nhân viên thu hồi nợ của ngân hàng, thông báo rằng bạn có một khoản vay quá hạn cần phải thanh toán. Giật mình nhớ lại, bạn có vay gì tại đó đâu mà bỗng nhiên bị ngân hàng đòi nợ.

ads giữa bài
bat-mi-bi-mat-khong-vay-van-bi-ngan-hang-doi-no
Ảnh minh họa – Nguồn Báo người lao động.

Những cuộc điện thoại từ nhân viên thu hồi nợ của ngân hàng ban đầu còn có những lời lẽ nhẹ nhàng, nhưng sự thực là bạn đâu có vay nợ của họ mà phải trả. Và dĩ nhiên là bạn sẽ chối từ những khoản nợ đó.

Tiếp theo là liên tiếp những cuộc gọi khác với lời lẽ xúc phạm, chửi rủa, đe doạ khiến bạn cảm thấy bực bội. Ngay lập tức bạn chặn số điện thoại đó. Nhưng rồi lại có thêm hàng loạt các số lạ khác gọi tới bạn để tiếp tục “uy hiếp trả nợ theo kiểu vô văn hóa”.

Bất lực, ức chế đến phát cáu. Nhất là số điện thoại đó lại là số bạn dùng để kinh doanh hoặc số điện thoại chính bạn sử dụng để liên hệ thường xuyên với mọi người. Không nghe thì sợ khách hàng liên hệ, mà nghe thì lại gặp nhóm đòi nợ. Chặn số này thì có số khác gọi tới và “vẫn là chúng nó”.

Đó là một kịch bản tôi đã gặp phải, tôi đã từng mua một số điện thoại đẹp trong kho Viettel và rồi bỗng dưng vướng phải tình huống như vậy. Và tin chắc rằng bạn hoặc một người thân của bạn đã gặp một kịch bản tương tự.

Cho vay ngon ngọt, đòi nợ kiểu “vô văn hóa”.

Khỏi nói, nếu hiện nay đem câu hỏi “ngân hàng nào đòi nợ “mất dạy” nhất?” Chắc 10 người thì 9 người chỉ bạn đến VP Bank – FE Credit.

Ít nhất 1 lần bạn sẽ sử dụng dịch vụ vay tiêu dùng để có thể mua sắm một món đồ gì đó như đồ gia dụng hoặc điện thoại, máy tính…

Tại lúc vay bạn sẽ nhận được sự đón tiếp nồng hậu từ đội ngũ tư vấn viên tại các cửa hàng, hệ thống bán lẻ.

Nhưng nếu bạn chậm thanh toán, và cho dù thử test thái độ khi đòi nợ bạn sẽ thấy kết quả ra sao. Không chỉ FE Credit mà ngay cả các tổ chức tín dụng khác thì tình huống này cũng có thể sảy ra.

Nhưng đó là bạn vay, đã vay thì phải trả, nếu bạn không thanh toán khoản vay thì việc đó cũng không nên trách ai.

Câu chuyện chẳng có gì đáng bàn, nhưng nó lại “to chuyện” vì bạn không vay mà lại bị ngân hàng đòi nợ, thậm chí đòi theo kiểu giang hồ, dùng những lời lẽ thóa mạ, đe doạ tính mạng và người thân của bạn.

Nhiều trường hợp khi bạn ra ngân hàng giao dịch bỗng nhiên được nhân viên ngân hàng thông báo rằng bạn có nợ xấu và thông tin này đã được lưu trữ trên CIC. Giờ đây bạn muốn làm gì cũng sẽ gặp khó khăn vì “đã dính vết nhơ” trên trung tâm quản lý nợ xấu.

Cơ sự nào khiến bạn không vay vẫn bị ngân hàng đòi nợ.

Nhân tiện ngồi nói chuyện với một người bạn cũ hiện đang làm trong một tổ chức tín dụng mới hiểu thêm được căn nguyên dẫn tới tình trạng “không vay mà bị ngân hàng siết nợ”.

Có những tình huống như dưới đây có thể sảy ra khiến bạn bỗng nhiên trở thành “con nợ” không mong muốn.

Đầu tiên phải kể đến quy trình thẩm định xét duyệt hồ sơ vay của các tổ chức tài chính.

Thông thường khoản vay sẽ được quản lý qua ba bước cơ bản như sau:

1. Làm hồ sơ và xét duyệt.

2. Hồ sơ đáp ứng tiêu chí đối với khoản vay sẽ giải ngân.

3. Quá trình theo dõi và thu hồi khoản vay.

Câu chuyện nảy sinh trong quá trình thẩm định và xét duyệt hồ sơ vay tín chấp.

Nếu đã từng mua hàng tại các shop điện máy hoặc các cửa hàng điện thoại như TGDD hay FPT bạn sẽ bắt gặp đội ngũ tư vấn tín dụng.

Đội ngũ này sẽ cùng với nhân viên bán hàng siêu thị đảm nhiệm công việc tư vấn về sản phẩm và nếu khách hàng có nhu cầu mua trả góp sẽ được tư vấn thêm về các mức lãi suất và quy trình mua trả góp.

bat-mi-bi-mat-khong-vay-van-bi-ngan-hang-doi-no-1
Ảnh minh họa

Thông thường với việc khuyến khích khách hàng mua trả góp sẽ giúp cả hai bên cùng “Win – Win”.

Bên bán sẽ tăng cơ hội bán được hàng cho khách hàng nếu sản phẩm cao hơn định mức sản phẩm mà khách hàng muốn mua.

Bên cho vay sẽ có doanh thu từ lãi suất cắt ra trên khoản vay của khách. Thế nên nếu khách hàng còn do dự khi mua hàng thì sẽ được mời chào mua qua hình thức hàng trả góp hàng tháng.

Thậm chí nhân viên thường hướng khách hàng đến những sản phẩm có mức giá cao hơn, về phía đại lý họ sẽ có thể đạt được tỷ suất lợi nhuận lớn hơn. Về phía công ty tài chính họ sẽ dễ dàng thuyết phục khách hàng sử dụng dịch vụ hơn.

Và mấu chốt phát sinh bắt đầu từ quy trình lấy thông tin khách hàng và thẩm định xét duyệt khoản vay.

Để khoản vay có thể được giải ngân, nhân viên tư vấn tín dụng thường sẽ yêu cầu khách hàng cung cấp thêm hai đến 3 số điện thoại bạn bè hoặc người thân để đối chứng và chuyển về bộ phận thẩm định để kiểm tra.

Theo lẽ thông thường bộ phận thẩm định sẽ bằng một nghiệp vụ nào đó thẩm định số điện thoại đó và xác nhận các thông tin của người vay về tính xác thực của thông tin.

Nhưng không, quy trình này thường bị bỏ qua. Và người vay dễ dàng “khai láo” bất cứ một số điện thoại bất kỳ nào đó trong danh bạ của mình. Miễn sao số điện thoại đó được gắn mác “bạn thân, bố, mẹ, anh chị”.

Cần nói thêm, hiện nay để quản lý chặt hơn các tổ chức tín dụng còn yêu cầu chụp hình người vay tại shop. Nhưng vẫn có kẽ hở khiến bạn “vướng vòng lao lý mặc dù vô tội”. Sẽ nói ở phần dưới.

Liên quan: 10 châm ngôn đầy cảm hứng của CEO hàng đầu thế giới về tiền bạc.

Và thế là, khi “thiên thần biến mất” bỗng dưng bạn biến thành “tội đồ”. Mặc dù trước đó bạn không nhận được bất cứ cuộc điện thoại nào xác nhận thông tin về vấn đề “bạn của bạn, em của bạn… đang làm hồ sơ vay của chúng tôi.”

Nghiễm nhiên khi thiên thần biến mất thì phải tìm nó, cách đơn giản nhất là lục lại hồ sơ vay chuyển cho phòng thu hồi để họ tiến hành “siết nợ”.

Và cơ sự bắt đầu từ đây, một ngày đẹp trời bạn nhận được điện thoại nói rằng “em của bạn đang vay của chúng tôi, đã chậm thanh toán …, nếu không thanh toán khoản vay thì sẽ khởi kiện …”

Đó là còn nhẹ nhàng, tiếp nữa sẽ là những cuộc điện thoại dồn dập hàng ngày khủng bố tinh thần theo kiểu côn đồ như “mày có tin tao đến giết cả họ mày không? Mày cho địa chỉ tao đến… vv”

Điều khiến mọi người bực mình ở đây đó là mình có vay ngân hàng đâu mà bị đòi nợ, thậm chí còn chẳng biết cái người vay có tên ABCXYZ kia là ai.

Về bản chất, nếu đưa ra pháp luật thì đây cũng là một yếu tố cấu thành tội. Nhưng khổ nỗi bạn có biết người đang đe doạ hành hung bạn là ai đâu. Đầu số đều là các số sim rác. Thậm chí có nhiều trường hợp cho hẳn địa chỉ và mong gặp “chúng nó” để giải quyết cho ra nhẽ cũng “không thấy chúng nó đến” vì “chúng nó biết chẳng dại gì mà mò mặt tới”.

Và rồi bạn phải chịu đựng hàng ngày những cuộc tấn công điện thoại đòi nợ như vậy, tinh thần bực tức, ức chế sẽ luôn đeo bám.

Trường hợp thứ hai, đúng thông tin nhưng khách hàng đâu có vay.

Vấn đề này có phần khá nhạy cảm. Ra ngân hàng giao dịch bỗng được thông báo “bạn đang có khoản tín dụng bị nợ xấu quá hạn, thông tin đã hiển thị trên dữ liệu của CIC”

Kiểm tra lại thì đúng là mình với thông tin chính xác 100%. Nhưng “tôi có mua hàng hay vay mượn tín chấp bao giờ đâu” mà lại có nợ xấu xuất hiện trên trung tâm tín dụng quốc gia.

Và nếu bạn đang có ý định mua nhà, mua xe trả góp thì “quên đi”.

Vậy cơ sự bắt nguồn như thế nào?

Nợ xấu là các khoản nợ đã quá thời hạn thanh toán khoản vay quá 3 tháng (90 ngày). Nhóm khách hàng này thường sẽ được nhập vào nhóm nợ xấu nhóm B. Và tất nhiên dữ liệu này sẽ được các tổ chức tài chính nhập trên trung tâm tín dụng quốc gia hay còn gọi là CIC.

Khách hàng nên hiểu thêm, hiện có hai hình thức cho vay đó là từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng.

Tổ chức tín dụng là một tổ chức có thể hoạt động độc lập hoặc hoạt động phụ thuộc (trực thuộc một ngân hàng nào đó).

Có thể bạn quan tâm: 5 tính năng mới cập nhật của Google Ads mà các nhà tiếp thị nên biết để tận dụng.

Hiện nay các tổ chức tín dụng được cấp phép không nhiều. Còn đối với các công ty được gắn mác tự phong đều không phải. Và nên nhớ không phải bất cứ một công ty nào đó có thể cho bạn vay tiền đều là công ty tài chính. Có thể họ dùng một biện pháp nào đó để hợp thức hoá khoản vay của bạn và cho bạn trả chậm theo thời gian quy định.

Với thời đại công nghệ như hiện nay nhất là trong tình trạng nhiều khách hàng không có sự hiểu biết về hệ thống ngân hàng nên nảy sinh nhiều vấn đề.

Nếu bạn vay vốn qua ngân hàng thì thông thường sẽ phải có một tài sản thế chấp. Ngân hàng sẽ thẩm định tài sản đó và cho bạn vay trong khung được phép. Tất nhiên hạn mức vay đó đã được tính toán kỹ lưỡng về rủi ro. Và nếu không thanh toán được khoản nợ vay thì “điều gì đến sẽ đến”

Còn riêng đối với tổ chức tín dụng (hay còn gọi là vay tín chấp” khoản vay sẽ được xét duyệt theo tiêu chí “chấp nhận rủi ro” và cho vay “trên tinh thần tin tưởng lẫn nhau”. Miễn sao bạn bằng một cách nào đó có thể trả nợ và họ có những phương thức đòi được nợ.

Tất nhiên, mức lãi suất thì khác nhau một trời một vực. Một bên là lãi suất giảm dần, một bên là lãi phẳng trên tổng thời gian được tính trên tổng khoản vay của bạn.

Lợi nhuận cao là thế cho nên ngoài các công ty tài chính chính thống còn nhan nhản các công ty tài chính ma hoạt động rầm rộ mà chúng ta thường gọi là tín dụng đen.

Nhờ công nghệ mà các tổ chức tự xưng này có thể cho vay một cách linh động nhanh nhất có thể.

Đối tượng thường tập trung vào nhóm khách hàng trẻ “ít kiến thức mà ham muốn cao”.

Và rồi chỉ cần một chiếc chứng minh thư, thẻ căn cước, giấy tờ xe thông qua một ứng dụng cho vay (App) là đã có thể vay một khoản tiền từ vài triệu cho đến vài chục triệu đồng.

Khổ nỗi, nếu bạn làm rơi giấy tờ hoặc chẳng may để hình ảnh giấy tờ bị lộ thì tin chắc rằng bạn sẽ trở thành nạn nhân.

Đơn giản vì công nghệ làm giả giấy tờ hiện nay đâu có khó, nếu không tin bạn có thể tìm kiếm dịch vụ này trên Google hoặc các trang Fanpage, nhóm Facebook, đầy rẫy các dịch vụ từ A đến Z, tận tâm và nhiệt tình.

Và rồi, hình ảnh trên giấy tờ tuỳ thân có thể khác nhưng thông tin thì chính xác 100%. Thế là người cầm được “thẻ bài” có thể thoả sức vay mà lại rất an tâm.

Một chiêu trò khác được người bạn bật mí. Tại các vùng nông thôn lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, đám “môi giới tín dụng” còn thực hiện các chiêu trò lừa đảo khác.

Rất đơn giản, bằng “nghiệp vụ” của mình chúng sẽ tìm được những con mồi, con mồi ở đây thường là những người già hoặc giới trẻ đang cần tiền mà không thể (hoặc không biết) vay ở đâu.

Bằng những lời lẽ ngon ngọt đầy màu sắc cộng với những lập luận thuyết phục, chẳng có lí gì mà con mồi không mắc bẫy. Sẵn sàng theo chân chúng đến các shop bán hàng để mua hàng trả góp.

“Mọi việc tiếp theo để anh lo”. Và sự thật là vậy, từ kịch bản cho đến cách diễn xuất đã được đội ngũ đạo diễn này “rỉ tai diễn viên” để diễn cho đạt.

Kết quả là sau khi mua được hàng, bằng một đường dây chuyên nghiệp chúng sẽ nhanh chóng tẩu tán sản phẩm vừa mua và thu tiền về, chia lại cho “diễn viên” một ít. Mà với đội ngũ diễn viên đang cần tiền mà không biết vay đâu thì một ít lúc này là một khoản kha khá có thể giúp họ vượt khó trong hiện tại.

Thế nên, hãy thực sự cảnh giác với những giấy tờ tuỳ thân quan trọng của chính bạn. Và nên cảnh báo người thân của bạn về những chiêu trò như thế này, đặc biệt là với cha mẹ già hoặc anh em, bạn bè mới lớn ít kinh nghiệm thực tế.

Báo chí chính thống nói suốt ngày, xã hội lên án quyết liệt nhưng dường như “câu chuyện này chưa đến hồi kết”. Chẳng biết do đâu.

Thôi thì “mệnh ai nấy giữ”, cố mà tránh kẻo lâm vào cảnh “không vay vẫn bị ngân hàng đòi nợ”. Rồi thì rước thêm sự bực tức, rắc rối cho chính bản thân mình.

Nhật Minh.

ads cuối bài

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *